không còn tác động

Một thầy một trò đi qua một vùng thảo nguyên vắng vẻ. Người thầy ngồi nghỉ còn người học trò đi đến ao nhỏ kia để lấy nước về uống. Nhưng khi đến ao nước, thấy đục ngầu, người học trò lắc đầu ngán ngẩm trở về và thưa chuyện này với thầy. Người thầy bảo:

- Con cứ trở lại ao nước và chờ một chút. 

Người học trò nghe lời thầy. Khi trở lại ao nước, cậu ngạc nhiên khi thấy vũng nước từ đục ngầu nay bỗng trở nên trong hơn, và đợi một chút thì những cặn và bùn tự lắng hoàn toàn xuống dưới. Cậu lấy đầy bình và trở về thưa với thầy những gì mình thấy. 

Người thầy mỉm cười, bảo: 

- Tâm trí hiện giờ của con cũng giống như vũng nước mà con vừa thấy. Nếu không còn ý tác động, thì nó sẽ tự lắng. Nhưng nếu vẫn còn tìm cách cho "nước lắng" thì hẳn nhiên là nó sẽ trở nên đục hơn, phải vậy không? 

Tự nhiên luôn dạy ta về thiền, phải không bạn? 

Tất cả mọi chuyển động, nếu còn tác động, thì nó sẽ trở nên động hơn. Như vậy, khi không còn tác động, nó sẽ tự im ắng. 

Khi gió thổi, đó là một lực tác động, va chạm giữa gió và cây khiến cây đung đưa. Nhưng khi không còn lực từ gió, cây cũng tự im ắng.  

Những suy nghĩ bên trong chúng ta cũng vậy. Nó chuyển động nhưng rõ ràng nó không thể tạo ra sự tác động gì cho đến khi ta đồng hóa vào nó. Sự đồng hóa nghĩa là sự va chạm. Sự va chạm gây ra phản ứng và tác động. Sự bấn loạn bên trong ta xảy đến do vẫn còn ý tác động, vẫn còn nảy sinh sự va chạm. 

Khi một cơn gió mạnh xảy đến, cây cối đung đưa rất mạnh, và nó mất một khoảng lâu hơn để im ắng trở lại so với một cơn gió nhẹ thổi ngang. Sự va chạm càng lớn, sự "bấn loạn", và sự "động" xảy đến với biên độ càng rộng và cường độ càng mạnh. Khi nhìn vào tâm mình, chúng ta thấy nó động đúng không? Vì sự va chạm trong quá khứ mạnh, dài, liên tục, nên sự động bên trong chúng ta vẫn mạnh. Nhưng biên độ và cường độ của nó giảm dần khi không còn ý tác động. Giống như vũng nước đục ngầu, cường độ lẫn biên độ đục của nó sẽ giảm dần khi không còn bất cứ điều gì tác động lên vũng nước đó. 

Nhưng bạn sẽ thấy đấy, khi những suy nghĩ bên trong bạn khởi sinh, bạn thường tác động thêm vào đó. Sự nhận biết nghĩa là không còn ý tác động. Cái thấy là sự lắng yên và tĩnh tại. Những bấn loạn bên trong bạn sẽ tự lắng yên vào sự tĩnh lặng đó. Và khi bạn càng lắng sâu vào không gian tĩnh tại, bạn là tĩnh lặng cảm nhận mọi chuyển động một cách trong sáng. 

Việc sống là như thế. Là cảm nhận sự sống động của thực tại trong cái nhìn trong sáng. Cái nhìn trong sáng lại luôn xuất phát từ không gian tĩnh lặng. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.