sống thật với chính mình

Sống thật với chính mình không có nghĩa là cứ phải làm theo những gì mà suy nghĩ và cảm xúc đang thôi thúc, mà nhận ra bên trong mình đang có những suy nghĩ và cảm xúc như vậy. Chúng ta lắng nghe, một cách trong sáng, rằng chúng đến và đi như thế nào. Nếu không sống thật với những phản ứng nội tại, chúng ta sẽ dễ bị lôi đi bởi những ý niệm và cảm xúc tiêu cực. Điều này dẫn đến những hệ quả vừa tổn thương chính mình và người khác.

Nhiều người nghĩ rằng sống thật với bản thân nghĩa là "suy nghĩ sao thì cứ nói như vậy", cảm xúc thế nào thì cứ biểu lộ ra bên ngoài như thế. Về một mặt nhất định nào đó, điều này cũng phù hợp với những trường hợp điển hình nào đó. Ví dụ, khi gặp lại bạn cũ, chúng ta rất vui, rất hạnh phúc và chúng ta biểu lộ điều đó ra bên ngoài. Hay khi đồng nghiệp có mắc một lỗi sai nghiêm trọng, chúng ta thẳng thắn nói ra với họ. Nhìn chung, đó cũng là một biểu hiện của sống thật. Nhưng sống thật với mình nghĩa là đối diện được với những đến-đi bên trong, lúc này chúng ta luôn ở trong sự nhận biết một cách cân bằng. Vì thế, dù chúng ta có phản ứng theo cảm xúc hay suy nghĩ thì cũng sẽ ở một mức độ trung dung. 

Sống thật nghĩa là neo mình vào trạng thái có mặt với những gì đang diễn ra

Người bạn nọ kể lại câu chuyện bạn trai cũ của cô ngoại tình. Lúc biết chuyện, cô nổi giận đùng đùng và cơn giận đó quá mạnh khiến cô buông ra những lời khó nghe đồng thời thực hiện những hành vi gây tổn thương cho đối phương. Mà sau khi nói và làm những việc như vậy, chính cô cũng rất đau lòng và dằn vặt. Nhiều người cho rằng lúc đó, cô đã sống thật với lòng mình nên mới có lời nói và hành vi như vậy. Nhưng về sâu xa thì cô chỉ bị cuốn đi bởi những cảm xúc tiêu cực. Lúc này, cô không còn là chính mình nữa, mà cảm xúc tiêu cực đó điều khiển cô nói và làm những điều mang trường năng lượng cực đoan tương tự. 

Khi nguôi ngoai cơn giận, cô mới ân hận về những gì mà mình nói và làm. Dù người kia có lỗi trước, dù anh ta ngoại tình, nhưng ngay cả cô cũng thấy lúc đó, cô đã đánh mất bản thân. 

Nếu lúc cơn giận trào dâng, cô nhận biết những gì đang diễn ra, ở trong trạng thái có mặt với cơn giận đang sinh lên sùng sục đó thì chắc chắn cô cũng sẽ thấy nó chẳng thể ở cường độ đó mãi. Bằng cách đối diện thẳng thắn với cảm xúc diễn ra, chúng ta thấy thoạt đầu nó có vẻ rất mạnh nhưng sẽ nguội dần cho đến khi thực sự diệt đi. Khi không bám theo những cảm xúc hay suy nghĩ tức thời, đó là khi chúng ta thực sự sống thật với chính mình. 

Thực ra, ý nghĩ và xúc cảm chỉ đơn giản là những năng lượng thoáng qua, và chúng nhất định không phải là bản chất của chúng ta. Chúng biến đổi một cách liên tục. Trong khi đó, sự nhận biết luôn ở đó, và neo đậu lên tất cả những thay đổi. Dù chúng ta trẻ hay già, dù chúng ta làm hay chơi, thì luôn tồn tại một cái biết là chứng nhân cho tất cả mọi hoạt động ấy. Cái biết ấy giúp chúng ta tự điều chỉnh những lời nói và hành vi của mình, sao cho chúng không chệch ra khỏi trạng thái cân bằng. 

Chúng ta có thể biểu lộ cảm xúc và suy nghĩ nhưng cần ở trong sự nhận biết

Trong câu chuyện trên, nếu cô gái nhận biết sự tức giận bên trong mình, thì cô sẽ chọn lúc bình tĩnh nhất để nói ra những điều mà cô cần nói với người đàn ông kia. Lúc này, rõ ràng, cô đang sống thật với chính mình, rằng cô và người đàn ông kia, cần đối diện với những gì đang diễn ra. Những điều cô nói trong lúc bình tĩnh nhất sẽ không thể làm tổn thương bất cứ ai. 

Trong cuộc sống, không ít trong chúng ta phải tiếp xúc với nhiều người và ở trong những môi trường khác nhau. Đó là công sở, là gia đình, là tiệc tùng, là họ hàng, là bạn bè, là người yêu... Nếu không ở trong sự nhận biết, chúng ta sẽ dễ bị cuốn trôi bởi ngoại cảnh, và buông ra những lời nói lẫn hành động không cần thiết. Lúc này, rõ ràng chúng ta đang không sống thật với chính mình, mà chỉ đơn giản bị cuốn vào những cảm xúc và suy nghĩ bề mặt. Chắc chắn, đến một thời điểm nào đó, khi ta đã bị trôi lăn theo những phản ứng bên trong quá lâu, thì ta sẽ bị chệch khỏi trạng thái cân bằng, rồi trở nên chao đảo theo ngoại giới. 

Cuộc sống như "vũ", là những điệu nhảy đa sắc màu. Nhưng bản chất của chúng ta phải là "trụ", để không bị đắm chìm vào "vũ" và đánh mất chính mình trong đó. 








Trang Ps Blog. Powered by Blogger.