ung dung
1/ Không cho đi không khiến bạn trở nên xấu đi, mà chưa chắc cho đi nhiều đã khiến bạn trở nên tốt hơn. Người nghĩ rằng mình nên cho đi nhiều thì cũng khổ vì dính mắc bởi suy nghĩ đó; người nghĩ rằng mình không nên cho thì cũng dính vào tính ích kỷ và tham lam. Rốt cuộc, còn nghĩ ngợi cho hay không cho đều khiến mình rơi vào phiền não. Cuộc sống vốn quân bình. Cho đi mà như không cho đi thì không còn trong nhân quả. Còn suy tư cho đi thì vẫn còn nhân quả. Còn suy tư không muốn cho vẫn tạo nhân và gặt quả.
Một người xin ăn đi ngang qua, thấy có tiền thì cho họ ít tiền, thấy không có thì không cho. Và đâu phải cứ cho tiền mới là cho, đôi khi là nụ cười, đôi khi là một món ăn... Đâu cần phải nghĩ suy lăn tăn nhiều. Chính suy nghĩ mới làm mình phiền não, đặc biệt là mỗi lần gặp lại họ. Vốn cuộc sống đa sắc màu, người ăn xin, người bán vé số đều kích hoạt những suy nghĩ hãy còn lợn cợn bên trong ta. Khi họ xuất hiện, liệu ta còn dính mắc vào suy nghĩ cho-nhận hay không, liệu còn dính mắc vào phán xét hay không, liệu còn dính mắc vào suy nghĩ thương hại hay không, liệu còn dính mắc vào việc muốn thế giới tốt đẹp hơn hay không... Những người đó xuất hiện càng nhiều, rõ ràng ta càng biết ơn vì nhờ họ mà ta thấy rõ hơn chính mình. Soi sáng được những nghĩ suy còn đọng trong tiềm thức, cho đến khi ta thấy họ và biết rằng sự hiện diện trọn vẹn với họ vốn là sự chia sẻ trù phú nhất rồi.
2/ Khi thế giới vẫn còn những con người chưa thực sự trở về sự nhận biết, thì vẫn sẽ còn những thị phi, những định kiến. Đó là bản chất của đời sống này. Chúng ta không thể thay đổi bản chất của nó, nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận nó. Thậm chí ngay cả một người thức tỉnh hoàn toàn cũng sẽ đối diện với những phán xét và phiền não bên ngoài chía thẳng vào mình. Nhưng họ ung dung và tự tại trước những điều đó.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.