lời nói
Hồi còn là sinh viên, tôi ở chung với một người bạn thật hiền lành nhưng cũng rất giàu xúc cảm. Có những lúc quá vô tư, tôi buông một vài câu đùa giỡn. Nhưng bạn lại cảm thấy tổn thương. Đó quả là điều tôi chẳng hề mong muốn. Nó không chỉ diễn ra một lần, mà một vài lần. Về sau, khi nhìn vào chính tâm can mình, tôi nhận ra, những lời phát ra đều xuất phát từ một nơi nào đó. Những câu nói hồn nhiên thường xuất phát từ sự tĩnh lặng, những câu nói gây sát thương thường xuất phát từ thói quen ứng xử của mình. Mà ta hay nhầm lẫn thói quen ứng xử ấy là sự vô tư.
Tôi luôn cẩn trọng hơn nhiều lần khi trở về gia đình, và chung vui với họ hàng mỗi dịp Tết. Vì trong đại gia đình, những thói quen nhận thức và hành vi bên trong ta rất dễ bộc lộ. Sự vô tư của ta trong gia đình không hẳn là một vô tư thật sự, mà là sự bộc phát của thói quen ứng xử với những người thân. Và đôi khi vô thức cư xử theo lối cũ, mà ta lỡ buông ra những câu nói không thật sự tốt đẹp cho lắm.
Đại gia đình là tập hợp của rất nhiều con người, ở nhiều thế hệ khác nhau. Đó là ông bà, là cha mẹ, là bác, chú, cậu, mợ, anh chị em bên nội bên ngoại. Ta đã biết, gặp gỡ, nói chuyện, sinh hoạt, hỗ trợ... họ từ những năm tháng còn là ấu thơ, đến tuổi dậy thì rồi khi lên cấp 3 và sau này đi làm... Tình cảm từ đó mà phát sinh, nhưng cũng từ đó mà bao xích mích và hiểu nhầm bộc lộ. Vì ta bị cuốn theo lối cư xử ẩn sâu trong tiềm thức, mà không tỉnh thức quan sát lại chính mình mà điều chỉnh chỗ chưa được.
Thú thực, hồi còn nhỏ, tôi là một người khá "quyền lực", thích sai người nọ người kia làm cái nọ cái kia. Điều đó cũng thể hiện rõ khi tôi đi học ở trường tiểu học và cấp 2, với tư cách là một lớp phó học tập. Điều đó theo tôi một thời gian kha khá khi sống cùng gia đình và trở về dịp Tết. Nhưng những năm nay, tôi biết thói quen đó của mình nên khi trở về nhà, tôi lặng lẽ làm mọi thứ: từ dọn nhà, nấu ăn, rửa bát, hỗ trợ bà sinh hoạt... Và tôi phát hiện ra một điều thật kỳ diệu, khi tôi cứ thư thái và lặng lẽ làm như vậy, thì tất cả mọi người trong gia đình cũng đều biết việc của họ để tập trung hoàn thành. Không còn ai nạnh họe với ai. Và khi cứ lặng lẽ làm mọi thứ, một cảm giác thật thanh thản và vui tươi bên trong tôi bộc lộ.
Tôi để ý, khi càng gần người thân của mình, những lời nói ra càng cần phải cẩn trọng. Thói quen ứng xử bên trong ta rất mạnh mẽ. Nếu ta thiếu tỉnh thức một chút thôi, thì những ứng xử thiếu khôn ngoan lại xuất hiện và khiến tình cảm anh em càng thêm chất chứa hiềm khích, và không khí Tết lại lỡ đi nhiều nhịp bình an.
Câu nói cổ xưa "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" có hàm ý quan trọng như vậy. Lời nói quả thực chẳng mất tiền mua, lựa một lời chân thành mà nói cũng là bài học làm người vô cùng thiết thực.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.