đối phó với nóng giận

7:21:00 PM
Mỗi khi tức giận, hãy thả lỏng cơ thể một cách tự nhiên, và hướng sự chú tâm vào bên trong thay vì hướng ra đối tượng mà mình đang bực tức. Bằng cách này, bạn sẽ có bình tĩnh để quan sát sự sinh - diệt của nóng giận. Bạn sẽ thấy cơn tức dù lúc khởi sinh rất mạnh mẽ nhưng dần dần nó cũng nguôi ngoai, cho đến khi không còn nữa. 

Nhiều người khi bực tức, tức tối, thường kiềm chế nó vào bên trong, điều này sẽ tạo ra một sự uất ức rất mạnh cho tâm. Khi cơn sân bị dồn nén, nó lập tức tạo ra những bệnh trên thân như đau tim, đau bao tử hay thần khí tối,... Vì sân giống như ngọn lửa cháy, nếu dồn nén, nó sẽ cháy âm ỉ từ trong tiềm thức, và bất cứ lúc nào ngoại cảnh phù hợp xảy đến hấp dẫn ngọn lửa ấy, nó sẽ trào ra và đốt cháy bạn. Nhiều người không chịu được sân, nên đã phóng cái tâm sân của mình ra bằng lời nói gây tổn thương hay thậm chí hành vi bạo lực. Điều đó giống kiểu phóng lửa ra ngoài, tạo ra rất nhiều hệ lụy không chỉ cho người khác mà còn cho chính bạn nữa. 

Sân (nóng giận) là một thái độ không bằng lòng, tức tối, ganh ghét, tị nạnh,... với đối tượng bên ngoài, hay thậm chí bên trong mình. Một người đang sân mà muốn diệt sân, tức là đang dùng sân để đối trị sân, như vậy thì sân lại chồng sân, ngọn lửa sân thêm sâu dày. Nhưng nếu bình tĩnh quan sát sân, thì ngọn lửa bùng lên, nó sẽ tự dập tắt đi theo chu trình của nó. Nhưng nếu bạn dùng mọi phương pháp để tiêu diệt nó, nó sẽ tiếp tục chơi trò trốn tìm với bạn. Nó sẽ khuất ẩn rất sâu bên trong bạn và chờ cơ hội phóng ra ngoài. 

Vì thế, khi nóng giận, hãy biết nhẫn nại với sự nóng giận đó. Hãy thả lỏng thân tâm để quan sát nó một cách trong sáng, thì khi đó cơn sân dù nóng đến đâu cũng phải nguội lạnh. Nhiều người hỏi tại sao sân của họ nổi lên nhiều vậy. Tôi đáp: "Sân nổi càng nhiều thì tánh thấy càng dễ phát huy. Hãy thấy sân càng nhiều càng tốt. Hãy cảm ơn vì sân xuất hiện cho mình thấy. Vì thấy (soi sáng) càng sâu, càng kiên nhẫn, thì sân càng tự chính nó tiêu diệt dần. Cho đến khi cái sân khởi rất vi tế từ bên trong, cũng hãy lặng lẽ quan sát nó. Rồi cho đến lúc, gặp tình huống nào, bạn cũng có thể đối đãi một cách bình thản!"



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.