ai gây ra cho ta nỗi đau này?

2:19:00 PM
Sinh ra làm người trên đời, hẳn ai cũng có nỗi khổ niềm đau riêng. Khi chia sẻ về phiền não của mình, chúng ta thường có khuynh hướng cảm thấy như mình là người đau khổ nhất, bất hạnh nhất trên đời. Vì giờ đây, tất cả mọi suy nghĩ vô thức hay có ý thức, đều tập trung gần như toàn bộ vào bất hạnh hiện thời mà ta đang trải nghiệm. Vì thế, mà ta càng lúc càng có cảm giác như bế tắc hơn, đau đớn hơn. Và vì quá tập trung vào nỗi khổ của mình, mà chúng ta vô thức tự tạo ra so sánh giữa số phận của bản thân với những con người thân thương lẫn xa lạ ngoài kia. Ta thốt lên, ôi chao, sao mà họ sung sướng thế, ôi chao, sao mà họ may mắn thế. Chính thái độ không bằng lòng với thực tại này khiến khổ não bên trong ta càng thêm chất chồng. Và khiến ta có cảm giác như quá sức chịu đựng. 

Nhưng vốn dĩ, trong thế gian này, chẳng một thử thách nào là quá sức chịu đựng của một con người, nhưng vì thái độ vô minh mà ta lại tự tạo ra thêm nhiều gánh nặng cho chính ta. Bạn có nhận ra một điều rằng số đông thường nhìn cuộc đời này với tâm so sánh để rồi chóng vội kết luận. Khi một người sinh ra đời, lớn lên, vấp váp,... họ thường chỉ nhìn được đời sống của mình là ngần ấy thời gian, nên họ dễ nổi tâm than thân trách phận. Họ không hiểu để đến với cuộc đời hiện tại, họ đã trải qua rất rất nhiều cuộc đời, mà ở đó họ cũng từng rất sung sướng và cũng đã rất đau khổ. Ở trong một kiếp nào đó, họ chắc hẳn cũng đã được đám đông trầm trồ và ghen tỵ vì địa vị, vì danh tiếng, vì tài năng, vì gia đình đẹp đẽ,... Và cũng trong kiếp nào đó, họ cũng từng trải qua đau khổ ê chề để thiên hạ cười chê. Ôi, hạnh phúc và đau khổ thế gian cứ thế luân phiên nhau qua bao nhiêu kiếp luân hồi để chỉ cho con người thấy chẳng niềm vui nỗi khổ nào nơi đây là vững bền. Vậy mà thái độ của họ luôn chọn một mặt, trốn tránh một mặt. Nhưng họ không hiểu, chỉ cần một khoảnh khắc trốn tránh thôi, thì ngay ấy, pháp sẽ mang đến cho họ điều họ trốn tránh để tái cân bằng, để họ một lần nữa phiền não mà đối diện với thực tại vốn có bản chất nhị nguyên đối kháng. Tất cả mọi khổ đau xảy đến là vì ta không bằng lòng với hiện tại. 

Tôi nhớ một lần nọ, có độc giả nữ nhắn tin than thở với tôi rằng họ thực sự ở trong nỗi đau cùng cực, nào là ly hôn chồng, nào là bị chồng lấy hết tài sản mà vốn dĩ là của mình. Chị hoàn toàn không thể nào chấp nhận nổi tình cảnh ấy, và tự thấy mình là một người đàn bà vô cùng bất hạnh và trơ trọi. Tôi thẳng thắn với chị, pháp đang dạy chị 3 điều: không có điều gì là của mình (vô ngã), mở lòng học cách đón nhận nghịch cảnh (vị tha) và cuộc sống luôn biến đổi, không có gì là vững bền (vô thường). Kẻ đấu tranh để đạt được, sẽ phải chết đi trong ngộp thở vì chỉ luôn biết nhận vào. Kẻ không trực nhận được vô thường, sẽ là nô lệ của những gì đã qua. Kẻ không biết vị tha, chẳng khác nào tự cô lập mình trong những huyễn tưởng vị kỷ. 

Như vậy, nghịch cảnh thì đã trôi qua, nhưng thứ giữ ta ngột ngạt tưởng chừng như "tắt thở" lại nằm ngay nơi thái độ chưa buông chưa thông được của ta. Ta đừng sợ cuộc sống không công bằng với mình, mà hãy tự hỏi ta có đang đối xử công bằng với bản thân mình hay không! Ví như, sự sắp xếp nơi sinh của mỗi người là phù hợp với nghiệp lẫn cộng nghiệp của người đó với những cá nhân khác trong cộng đồng, nhưng nghiệp quá khứ không chi phối hoàn toàn ta, mà thái độ hiện tại của chúng ta chi phối ta là chủ yếu. Chẳng hạn, một người sinh ra ở Việt Nam vì nghiệp lẫn cộng nghiệp của họ phù hợp với những người sống ở đó. Họ còn cần học ra nhiều bài học nơi đây, và tất nhiên, một người đang sống ở vùng đói nghèo cũng vậy, không phải vì họ thiếu may mắn hơn người khác, mà vì nghiệp mà họ đã gieo đưa đẩy họ đến đó để học ra bài học của chính mình. Nếu chúng ta không công tâm nhìn ra được điều này, thái độ trong ta chỉ toàn là phán xét, là kết luận vội vàng. 

Chỉ khi nhìn cuộc đời một cách toàn diện, ta mới thấy cuộc sống là công bằng, còn thái độ vô minh trong ta mới khiến ta tự thấy mình không được đối xử công bằng mà thôi. Hay nói ngắn gọn, chính ta mới là kẻ không đối xử công bằng với mình! Vì ta không hề sống theo sự thật, mà chỉ sống theo sự huyễn hoặc ảo tưởng là phần nhiều. Như vậy, giờ ta còn đổ lỗi khổ đau này do ai gây ra?




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.