động tâm
Trước những thay đổi đột ngột, liên tục, trong không gian tâm sẽ khởi lên một số những biến động theo, cường độ lẫn biên độ sẽ tùy thuộc vào phần dính mắc khuất ẩn bên trong mỗi người cùng khả năng ý thức của họ. Phần biến động dâng lên thực sự không đáng ngại, nhưng nếu ý thức không khách quan, không đủ sức mạnh và sự bao dung, thì nó sẽ phản kháng, sẽ trở nên chìm hay di dịch trong biến động hoặc gán nhãn những niềm tin sai lầm cho chính mình. Chẳng hạn, một người có vẻ rất nghiêm túc tu tập nhưng mỗi khi bên trong anh ta khởi lên ham muốn, anh ta liền sân lên và gán nhãn "Tâm mình vẫn động quá". Thực ra, vấn đề không nằm ở phần động khởi lên, mà vấn đề nằm ở chỗ anh ta bị lập tức cho rằng "mình là người đang động tâm" hay "tôi có một cái tâm chưa tĩnh, nó vẫn động". Hãy hỏi "tôi là ai" và "người trải nghiệm cái động tâm" đó biến mất, kéo theo sự sụp đổ của sự động tâm.
Di chứng của một quá trình dính mắc trước đó sẽ khởi lên thành thứ mà mà ta gọi là động tâm. Nó là một lẽ dĩ nhiên. Bạn cần ý thức chính mình (kinh nghiệm không gian ý thức tĩnh lặng) đủ sâu sắc và ổn định thì phần động đó sẽ suy yếu và không còn khả năng quấy phá bạn. Như vậy, có nghĩa là bạn phải khám phá mình là ai để không tự huyễn hoặc mình là những gì đang xảy ra, hay gán nhãn cho mình người như thế nào đấy.
Mọi gánh nặng không đến từ tiến trình, mà là sự đồng hóa vào tiến trình.
Hãy hỏi "Ai đang động tâm", và cái tôi trải nghiệm đối tượng ''động tâm" biến mất. Khi cái tôi trải nghiệm biến mất, thế giới do nó trải nghiệm biến mất. Chỉ còn lại ý thức tĩnh lặng.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.