tổn thương
Chúng ta đang sống trong thế giới mà con người cho rằng tổn thương là sự yếu đuối, nhưng đối với tôi, tổn thương chính là sức mạnh. Điều đó giống như lúc người mẹ thai nghén vậy, đó là một khoảnh khắc cực kỳ tổn thương, nhưng lại là khoảnh khắc người phụ nữ mạnh mẽ nhất.
Tôi không bao giờ khuyến khích mỗi người che dấu sự tổn thương của mình, mà cần nhìn trực diện vào chính nó để bạn thấy sự mạnh mẽ vốn dĩ có sẵn từ bên trong chứ không phải thông qua sự cố gắng. Trong những lúc khó khăn và ốm đau nhất của cuộc đời mình, đó chính là lúc tôi mạnh mẽ nhất. Bản năng sinh tồn lúc này bộc lộ một cách tự nhiên, năng lượng thể xác lẫn tinh thần lúc này ở mức xấu nhất nhưng cũng chạm tới sự lớn nhất. Vì sao vậy? Có một sự tổn thương, chắc chắn, nhưng có một nhận thức đang quan sát và chăm nom sự tổn thương ấy. Sự quan sát ấy chính là người mẹ đang ôm ẵm đứa con (sự tổn thương) vào lòng và từ đó mọi năng lượng trong lành và thân thương nhất được hòa vào đứa con.
Chúng ta không phát tán sự tổn thương ra bên ngoài bằng một tâm hồn chật chội - tức nhìn nó như một gánh nặng hay của nợ của mình. Người mẹ không bao giờ nhìn con theo cách ấy. Mà bà luôn dành cho con tình thương nồng nàn và bao la nhất có thể. Chúng ta cũng nên mỉm cười với sự tổn thương với một tâm hồn thật sự rộng mở, hãy trao nỗi đau ấy cho Thượng Đế, và yên tâm rằng trong ánh sáng của Người, nỗi đau không thật sự nặng nề và quan trọng đến thế.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.