hai con người
Bên trong chúng ta, một con người đoan trang và một con người hoang dại, như Huyền Minh và Đan Thanh trong cuốn "Nhà khổ hạnh và gã lang thang". Hai con người gặp nhau lần đầu và nhận ra người kia là tri kỷ. Nhưng kẻ đoan trang biết mình chẳng thể giữ chân gã hoang dại, như lý trí chẳng thể giữ nổi bản năng, chỉ biết rằng để gã rời vòng tay mình thì mới học ra những bài học quý giá. Như cái cách Huyền Minh để Đan Thanh rời tu viện trong nỗi buồn tiếc nuối vì giờ đây chẳng thể có người sớm hôm bạn bầu. Nhưng Huyền Minh thấu rằng con người Đan Thanh phải trải nghiệm cuộc sống theo cách ấy, phải lang bạt, phải phong trần, phải đi, phải gặp, phải yêu và phải can đảm để nhìn mọi thứ đến và vụt qua trong đau đớn. Chính Huyền Minh cũng phải 'ghen tỵ' trước cách sống của Đan Thanh, dù điên dại, dù phóng túng, nhưng tất cả lại là điều sâu thẳm đâu đó mà Huyền Minh mong ước. Một kẻ nép mình trong khuôn mẫu đoan trang, một kẻ phóng túng trong đời sống của chính hắn, như cái tên "nhà khổ hạnh" và "gã lang thang". Cả hai kẻ đó đang xung đột bên trong mỗi người để họ nhìn ra được thế nào là trung dung hay trung đạo. Như trong cái chết, Đan Thanh phải thốt lên rằng những gì cao thượng tột cùng vẫn không bao giờ rời bỏ anh, và Huyền Minh ngầm hiểu điều đó trong giây phút cận tử đớn đau của người tri kỷ. Ở chi tiết vi tế này, người ta có nhận ra rằng đó chính là thời khắc cái tôi chết đi để tính Thượng Đế bên trong được hiển lộ toàn bộ?
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.