vượt lên lý trí, cảm xúc

Vì thói quen sống với lý trí và cảm xúc, nên con người khó có thể cảm nhận được sự sâu lắng của tĩnh lặng. Một chiều sâu phải vượt lên lý trí và cảm xúc đơn thuần. Sự tĩnh lặng này thật sự cũng vượt lên hẳn hạnh phúc từ một sự thỏa mãn trong tình yêu hay thành công trong cuộc sống. Vì cái hạnh phúc mà chúng ta thường có rất mong manh, và nó luôn có tính sinh - diệt trong giai đoạn nhất định. Bạn cứ thấy bất cứ một cuộc yêu nào cũng chỉ thăng hoa đoạn đầu, và rồi tất cả mọi thứ cũng phải thoái trào, hay cả hai người yêu nhau trong đó chuyển hóa tình yêu ấy thành tình thương hay một tình bạn, tình tri kỷ. Vậy nên hạnh phúc thông thường mà chúng ta có thường là một cấp độ khác của ghét bỏ. Bạn có thể nói yêu người này lúc này nhưng một phút sau có thể ghét bỏ họ vì bạn nhận ra họ lừa dối bạn chẳng hạn. 

Bất cứ ai cũng có thể đi sâu vào sự tĩnh lặng, chỉ bằng một thực tập hết sức đơn giản, là hãy chú tâm vào bên trong cơ thể mình, hãy cảm nhận cõi vô tướng bên trong bạn. Lúc bạn ngồi, lúc bạn đi, hãy cảm nhận thật sâu sự tĩnh lặng ấy vốn đã sẵn có bên trong chúng ta, và trong sự tĩnh lặng đó, sự cảm nhận hay nhận thức của chúng ta dường như bao quát lên tất cả. Ta có thể lắng nghe một tiếng chim hót bên ngoài, trong khi vẫn thấy được sự sâu lắng bên trong mình là vô tận. Điều đó giống như một cây xanh cắm rễ rất sâu vào lòng đất và vì vậy nó rất vững chãi và ung dung giữa đất trời. Con người cùng vậy, để vững chãi, họ cần cắm rễ rất sâu vào bên trong mình, chứ không phải là cầu kiếm sự vững chãi từ những nguồn lực vốn luôn mong manh bên ngoài. 

Khi nói cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, điều đó không phải là lúc quá cảm xúc thì dụng lý trí hơn, hay khi lý trí hơn thì dụng cảm xúc hơn một chút, mà là có thể chuyển hóa lý trí và cảm xúc đó thành sự nhận biết. Sự nhận biết sẽ vượt lên được lý trí và cảm xúc, và thế tự nó đang cân bằng cho tâm trí, chứ không phải là việc dụng lý trí hay cảm xúc là đang thực sự cân bằng. Hãy hình dung điều này đơn giản như sau,  khi cảm xúc của bạn tăng lên, chính sự trọn vẹn với chính mình, chính việc chú tâm vào bên trong cơ thể mình, quan sát và lắng nghe thật sâu, thật trong sáng, mới là điều dẫn đến sự cân bằng. Nếu dùng lý trí, đó là một lực của tâm sân muốn lấn át cảm xúc đó, để lý trí leo lên. Khi lý trí leo lên, cảm xúc bị đè nén vào bên trong. Vì thế, suốt cuộc đời, chỉ là một cuộc tranh đấu không hồi kết giữa lý trí và cảm xúc.




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.