đức tin
Bạn tỉnh táo thực hiện một điều gì đó là vì bên trong bạn mách bảo như vậy, và bởi vì bạn tin, nên hành động. Trong cuộc đời, chính tâm trí là thứ hoài nghi về đức tin, nhưng nếu không có niềm tin, bạn không thể làm được điều gì từ nguồn sức mạnh lớn lao.
Bạn không tin, nghĩa là bạn sợ hãi, e dè, hoài nghi, phải vậy không? Niềm tin thì khác. Tôi đặt bước chân này chắc nịch vì bên trong tôi thật tin. Dù không có ý nghĩ nói ra cho bạn nghe như vậy, nhưng chính bạn không chút hoài nghi nào về chính mình khi từng hành vi, lời nói và nghĩ suy của bạn chín chắn. Nhưng từ tâm hồn bạn cho đến những gì mà bạn toát ra không đủ sự kiên định, không đủ sự vững vàng, tức nó lung lay, không chắc chắn, nghĩa là đang không có niềm tin vào chính mình.
Người ta dễ đổ ngã khi niềm tin vào bản thân không sâu sắc. Như một cái cây cao mà rễ chỉ bám vào bề mặt đất cợn cạt, chỉ cần một cơn gió lớn thổi qua liền sụp đổ. Như vậy, trong khi thiền, người ta cần rèn luyện cho mình đức tin vào bản thân. Tin vào phẩm tính cao thượng, vào sự can đảm, mạnh mẽ, tự do, trí tuệ, bất diệt. Và nó phải được sống thông qua từng hành vi, lời nói và ý nghĩ. Chỉ cần bạn hoài nghi về chính mình thôi, bạn sẽ bị gợn lại sự sợ hãi, nhát gan, nhu nhược... Và những phẩm tính yếu kém này sẽ lại điều khiển bạn.
Như vậy, đức tin quá quan trọng phải vậy không? Nó gần như là cốt lõi trong sự quay vào bên trong. Bởi vì nếu bạn chỉ gợn chút không tin vào bên trong mình thôi, tâm trí ngay lập tức lung lay, hướng ra ngoài, tiếp tục vòng lặp của những mô thức cũ.
Một người kiên trì được, vì họ tin vào sự giải thoát, họ tin vào con đường dẫn đến điều đó. Như Chúa nói: "Phúc cho ai chưa thấy mà tin!" Bởi tất cả chúng ta khi đi trên con đường này đều chưa thấy được toàn bộ chính mình, vì trở ngại là các thói quen tâm trí sâu dày lì lợm vẫn che lấp cái thấy toàn thể đó, nhưng điều gì khiến ta tiếp tục thực hành? Vì tin. Thông qua sự thực hành, cảm nghiệm được những phút giây định tĩnh, sáng suốt, nó càng khiến ta tin hơn.
Vì tâm trí luôn muốn có bằng chứng thực tế thì nó mới tiếp tục, phải vậy không? Như khi ai đó nói yêu bạn, nhưng bạn không tin vào anh ta, vì anh ta chưa có hành động hay điều gì cụ thể để chứng minh cho bạn thấy là anh ta đang yêu bạn. Cũng vậy, đức tin vào chính mình được củng cố thông qua sự thực hành điều độ và kiên tâm. Bạn phải chứng minh cho tâm trí thấy được định tĩnh-sáng suốt là hoàn toàn có thể, và trong những giây phút đó, chính là bình an và giải thoát.
Đức tin chỉ trở nên cực đoan khi nó thiếu vắng đi hiểu biết. Hiểu biết về quy luật cuộc sống, nhân quả, hiểu biết về nguyên lý vận hành của tâm trí thông qua sự quan sát, hiểu biết về việc thực ra không có bất cứ một cái ngã nào mà chỉ có một chân ngã tỏa rạng bất biến. Mà muốn có hiểu biết, thì phải có định tâm, khi định tâm rồi, thì hiểu biết tự khắc dần hình thành thông qua sự quan sát.
Hành trình này bắt buộc thiền sinh phải luôn hướng ý thức vào bên trong; xem việc tự biết chính mình là cốt lõi của đời sống thường nhật. Nó phải được ưu tiên, thì nó mới được nhìn nhận đúng đắn. Bởi khi nó là phụ, nó sẽ bị nhìn một cách "khinh thường, méo mó". Bạn phải ưu tiên cho nó hàng đầu; và thế, bạn sẽ biết đức tin vào chính mình quan trọng đến nhường nào. Vì ngay cả một người đặt trí tuệ lên hàng đầu, thì họ vẫn phải tin để có thể bước tiếp.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.