giấc ngủ

Ở quê, cha mẹ nuôi nhiều gà từ lúc tôi còn mới sinh ra đến mãi sau này. Gà bắt đầu giấc ngủ khi mặt trời lặn và gáy rất sớm, vào khoảng 3 giờ đến 5 giờ sáng. Bà con nông dân kể cả cha mẹ tôi đều theo tiếng gà mà tỉnh dậy đi làm đồng. Đặc biệt vào mùa hè, người ta ra đồng rất sớm, và trở về có khi khoảng 7g-8g sáng vì lúc đó đã đặc biệt nắng gắt. 

Khi trở về Măng Đen sống, qua ô cửa kính, tôi cảm thấy rõ bước đi của thời gian vật lý, sáng sớm chim bắt đầu hót véo von báo hiệu một ngày mới bắt đầu, mọi thứ vươn mình trong ánh sáng, và khoảng 6g chiều đổ đi, màn đêm bắt đầu buông xuống, không gian trở nên thật tĩnh mịch, một số con vật râm ran, rục rịch rồi bỗng vắng bặt cho một giấc ngủ dài. Mọi thứ rơi vào trạng thái nghỉ ngơi. Cơ thể tôi cứ thế đi theo tín hiệu này mà cũng rơi vào giấc ngủ. 

Kể từ thời còn ở Sài Gòn, tôi đã ngủ rất sớm, và cũng như bây giờ, có khi khoảng hơn 7 giờ và trễ nhất khoảng 9g-9g30 tối. Cứ theo nhịp tự nhiên, tôi để ánh mắt mình được bao trùm bởi bóng tối tự nhiên. Mọi thiết bị cũng được ngơi nghỉ theo sự nghỉ ngơi của con người. Trong bóng tối, tôi thấy những tán cây theo màu màn đêm mà xẩm tối. Nhưng ở đây, chưa bao giờ là tôi thấy không gian bên ngoài đen kịt. Dù là đêm đó trời rất mưa hay có sao. 

Giấc ngủ là một trạng thái tự nhiên của vạn vật. Đó là khi não bộ của chúng ta rơi vào trạng thái tĩnh. Trong trạng thái tĩnh này, mọi thứ được tái tạo, làm mới, và trở về trật tự của nó. Nếu không có giấc ngủ, con người không thể sinh tồn. Tôi chưa thấy một người nào có thể đủ tỉnh táo nếu không ngủ, dù chỉ là một ngày. Vạn vật cân bằng nhờ sự nghỉ ngơi hay giấc ngủ, có những con vật có thể ngủ suốt mùa đông, nhưng nhờ giấc ngủ đó thì nó mới có thể sinh tồn. Giấc ngủ thậm chí còn quan trọng hơn cả lúc tỉnh. 

Tôi rất ít khi làm việc vào buổi tối. Buổi tối là thời gian cho sự nghỉ ngơi, đặc biệt là sự ngơi nghỉ hoàn toàn của tâm trí. Mọi thứ cần làm sẽ được làm vào ban ngày. Tâm trí được ngơi nghỉ, hay rơi vào trạng thái tĩnh trước khi ngủ là vô cùng quan trọng. Vì nếu tâm trí bị xáo động trước lúc ngủ, những xáo động này vẫn tiếp tục làm phiền bạn ngay cả khi bạn rơi vào giấc ngủ, hay bạn sẽ cảm thấy rất khó ngủ. Một số thực phẩm cũng kích thích sự tỉnh của não bộ như cafe, trà xanh,... nếu bạn dùng chúng gần giờ ngủ thì cũng bị ảnh hưởng, do tác động của một số chất trong các thực phẩm này gây ảnh hưởng đến thần kinh, kích thích sự hoạt động của não bộ. Cũng như vậy, việc đọc sách báo, giải trí bằng xem phim, nghe nhạc... hay tóm lại là những việc phải dùng não bộ trước khi ngủ đều dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. 

Hiểu rõ tầm quan trọng của giấc ngủ và bạn sẽ có một lối sống điều độ. Lối sống điều độ là ý thức về những sự tiếp xúc nào có thể kích thích ảnh hưởng xấu và ảnh hưởng tốt, từ đó hạn chế những tiếp nhận gây ảnh hưởng tiêu cực. Khi tâm trí càng dễ bị xáo động, thì chúng ta càng cần ý thức về những sự tiếp xúc. Sự tiếp xúc có nghĩa là gì? Nghĩa là các giác quan đang tiếp xúc với điều gì trong thế giới này (miệng ăn gì, tai nghe gì, mũi ngửi gì, mắt thấy gì, thân xúc chạm gì, và ý thức đang tiếp cận những điều gì...). Bạn không thể vừa muốn tỉnh thức ngày càng tốt hơn trong khi vẫn tiếp cận những thứ khiến não bộ bị náo động.

Một giấc ngủ chất lượng là não bộ tự rơi vào tĩnh (ngủ) mà không có sự sắp xếp hay cố ý, và tự tỉnh dậy trong sự thấy biết tỉnh táo. Quãng ngủ không bị chập chờn, không bị kích động trong những suy nghĩ hay hình ảnh mơ màng. Nếu tỉnh thức trước mọi sự tiếp xúc, giấc ngủ sẽ trở nên sâu, trong và tĩnh hơn. Và lúc này, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái tỉnh thức khi thức dậy dễ dàng. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.