câu hỏi đúng

1. Trong tỉnh thức, câu hỏi đúng rất quan trọng. Vậy như thế nào là một câu hỏi "không đúng"? Tức những câu hỏi đó thường mang tính phản biện, tìm kiếm, hay mang một lý lẽ hay lập luận nào đó để bảo vệ cho sự cố chấp vào một niềm tin nào đó. Những câu hỏi này thường xoay quanh một vấn đề, nhưng không thoát được vấn đề đó, dù bạn chấp vào ý muốn muốn thoát ra. Như vậy, những câu hỏi không đúng thường mắc kẹt trong vấn đề, nhưng lại lầm tưởng đang "có cái nhìn khách quan" với vấn đề. Những câu hỏi này chỉ khiến bạn trở nên ràng buộc với tình huống mà câu hỏi xoay quanh mà thôi. 

Như thế nào là một câu hỏi đúng? Câu hỏi này phải xuất phát từ tĩnh lặng. Vì những câu hỏi xuất phát từ tĩnh lặng, thì sự tĩnh lặng sẽ tự trả lời. Câu hỏi này thôi thúc sự đi sâu và nhìn thẳng, trực diện vào nội tâm. Nó không hàm chứa sự phán xét, xoi mói, chống đối trong đó. 

Làm sao để cảm nhận rằng câu hỏi ấy là đúng? 

Bạn cảm nhận được sự tĩnh lặng tự nhiên, không khởi ý kiểm soát, tạo mối quan hệ, lảng tránh hay thể hiện sự thông minh đằng sau. Đó chỉ đơn giản là một cái nhìn xuyên qua hình tướng, xuyên qua những nông cạn khởi lên bề mặt. Câu hỏi đúng là khi mọi ảo tưởng, suy nghĩ tự dập tắt, để chỉ còn lại mọi hiện hữu trong tĩnh lặng. 

2. Khi nói "không có gì là vấn đề", bạn không thể tự thôi miên chính mình bằng câu nói ấy. Mọi sự thôi miên đều khiến bạn đang tự mình lảng tránh mọi thứ, và đưa mình vào khuôn mẫu 'không có gì là vấn đề'. 

Nếu "không có gì là vấn đề" là một trạng thái nhận ra sâu sắc từ bên trong, nó không thể trói buộc bạn, mà điều đó giải thoát bạn ra khỏi mọi ảo tưởng "thứ này, thứ kia đang là vấn đề".

Rất nhiều người tự thôi miên rằng đang thực hành tỉnh thức hay tỉnh thức, nhưng nó là trạng thái sống không còn góc nhìn và sự tự định nghĩa ở trong đó. 

3. Khi nghe một ai đó nói, chúng ta thường tự thôi miên mình bằng sự chấp nhận hay cảm thấy đồng điệu. Nhưng liệu đơn giản là trạng thái nghe nhưng không còn ý tạo mối quan hệ với những lời nói hay không? Cảm nhận điều đó và thấy sự tự do khi nghe ai đó nói. 

4. Những suy nghĩ cứ khởi lên bên trong bạn giống như lời chào mời đầy hấp dẫn. Nó xem chúng ta như vị khách hàng rất tiềm năng, và nó sẽ liên tục chào mời chúng ta hết lần này đến lần khác. Vì cả nể một lần, nên bạn sẽ có thói quen chiều ý muốn của nó lần kế tiếp. Cho đến khi bạn trở thành "kẻ rao giảng" và "kẻ thực thi" cho những triết lý bán hàng mà nó mang tới. 

5. Não bộ tiếp nhận mọi thứ thông qua các giác quan. Việc tiếp nhận đó là tự nhiên, nhưng động thái chụp lại, ghi lại là do bạn đang đồng hóa vào sự tiếp nhận. Sự tiếp nhận bao giờ cũng giới hạn, nên việc đồng hóa luôn đang khiến chúng ta tự giới hạn mình. 

6. Động thái đồng hóa là một cơ chế ý thức bị điều kiện hóa, tức đang tự đưa mình vào một khuôn khổ nào đó, một dạng lập luận nào đó. 

7. Suy nghĩ khởi sinh bên trong bạn là một chuyển động đang diễn ra. Nó đang thực sự diễn ra. Nó là thật. Nhưng nó cũng là ảo. Vì sao nó ảo? Vì những suy nghĩ đó đang cố diễn giải thực tại, đang cố tưởng tượng, hình dung. Nhưng sự diễn giải, cố tưởng tượng hay hình dung đó không phản ánh được thực tại. Nên khi bám chấp vào suy nghĩ là đang tự ảo tưởng. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.