thế gian dạy ta bước tiếp, thức tỉnh khiến ta biết dừng

5:03:00 PM
Trong suốt hơn một năm qua, tôi đã dừng lại và nói không với nhiều thứ. Chỉ đơn giản là khoảng lặng bên trong không muốn tôi làm những việc đó nữa. Thôi thúc ấy vượt lên tất cả mọi nỗi sợ hãi ngấm ngầm, và chính điều đó mở ra sự tự do. 

Thế gian dạy ta bước tiếp, nhưng sự thức tỉnh khiến ta biết dừng. "Ta" ở đây chính là bản ngã, là những suy nghĩ mà loài người mắc kẹt. Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên, chúng ta được giáo dục trong những áp đặt về tiến bộ, rằng phải tiến về phía trước, về nỗ lực. Phần lớn động lực mà chúng ta được dạy là từ suy nghĩ tích cực, suy nghĩ về tương lai. Chính điều đó đẩy xã hội đi quá nhanh. Sự quá nhanh về mặt tiến bộ tạo ra rất nhiều những hủy hoại cho thiên nhiên. Thiên nhiên bị phá hoại nhiều hơn, sự mục ruỗng tinh thần bên trong loài người càng mạnh hơn. Vì động cơ phá hủy thiên nhiên đến từ sự lạc lối và đang tàn phá sự sống chính mình và chúng sinh. 

Suốt thời gian vừa qua, tôi đã viết nhiều bài về sự mưu sinh vì xã hội đã quá mắc kẹt vào những hành động tạo ra điều gì đó ở bên ngoài. Chúng ta liên tục cố gắng để tạo ra giá trị. Tạo ra giá trị có vẻ là một hành vi tốt đẹp, một tư duy văn minh, nhưng hãy nhìn vào thật sâu động cơ đó. Vì động cơ tạo ra giá trị hữu hình thông thường đều đạt đến một cực đoan về sự tàn phá. Trong công nghệ thông tin, AI đang dần thay thế rất nhiều người. Nhiều công ty đi đến quyết định sa thải nhân viên hàng loạt. Điều đó nói lên điều gì? Những nhà lãnh đạo của nền công nghệ thông tin đều muốn tạo ra giá trị. Nhưng phần lớn giá trị đó được tạo ra không đến từ sự nhận biết. Vì thế, nó gây ra những bước đi quá đà. Và nhân loại phải suy xét về việc mọi động cơ tạo ra giá trị đều tương đối, đều có khả năng dấy lên những cuộc chiến. Chúng ta, rồi một lúc nào đó, sẽ thấy những cuộc chiến nổ ra nếu AI liên tục thâm nhập vào môi trường sinh sống và làm việc của chúng ta. Vì nơi đó, con người bắt đầu hoảng loạn, bắt đầu so sánh chính mình - không với những người khác nữa - mà là một thứ do bộ não con người tạo ra. 

Sự sáng tạo không gắn liền với sự nhận biết là sự hủy diệt. Chúng ta liên tục thấy điều đó từ các cuộc chiến tranh. Mọi sáng tạo từ vũ khí hạt nhân, thuốc nổ... đều gây ra quá nhiều mất mát cho nhân loại. Và cuộc chiến ấy vẫn không ngừng, và ngày càng vi tế hơn, điển hình gần đây là Covid. Các cuộc chiến liên tục dấy nên, những hỗn loạn liên tục phát sinh, như một hồi chuông cảnh tỉnh con người về việc dừng lại. Hãy biết dừng lại!

Tôi sinh ra trong một bối cảnh nghèo khó, nhưng thật may, những hình ảnh quá khứ không hề chi phối được bản thân. Nhưng rất nhiều người bị chi phối bởi những ảo ảnh trong tâm trí. Về cái nghèo, về sự tiến bộ, về sự vượt bậc, về sự hiện đại, tiện nghi... Và tất cả khích động họ phải tiếp tục, tiếp tục và tiếp tục. Sự khích động đó lôi họ đi quá mạnh, đến nỗi họ không còn cơ hội để soi xét lại chính mình. Và thậm chí, khi soi xét, những khiêu khích, khuấy động bên trong họ vẫn áp đảo. Những khuấy động đó là nỗi sợ. Nỗi sợ tạo ra sự hủy diệt.

Thực ra, sự thức tỉnh bên trong mỗi người đến từ những khoảnh khắc tự phản tỉnh bản thân. Tôi cũng như vậy. Không có sự may mắn hay diễm phúc nào. Tất cả đều đến từ những khoảnh khắc biết dừng lại. Biết nỗi đau đến từ tham muốn bước tiếp. Mọi nỗ lực bước tiếp trói buộc chúng ta. 

Có những người trẻ mà tôi gặp, họ biết dừng lại. Họ thấy sự cần thiết, tối cần thiết của khoảng không gian bên trong. Gen Z sinh ra trong bối cảnh guồng quay. Bối cảnh đó, một là kích hoạt suy nghĩ đâm đầu liên tục vào công việc, hai là khiến họ thức tỉnh rằng họ đã quá mệt mỏi khi cứ phải lao vào như con thiêu thân. 

Rốt cuộc, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ nhận ra mọi động cơ cho sự phát triển đều gây ra sự hủy diệt. Đó là vòng luân hồi, cứ quay cứ quay. Biết dừng lại là hồi chuông cảnh tỉnh cho con người, ngay lúc này.



Trang Ps Blog. Powered by Blogger.