quan sát

9:47:00 AM
Khi ta hiểu những nguyên lý hình thành ảo tưởng, phiền não bên trong mình, ta có được sự thông suốt nhất định, và sự thông suốt đó được giữ vững khi ta chánh niệm - tỉnh giác. Nhưng khi ta không chánh niệm - tỉnh giác, những tập khí sẽ lôi kéo ta vào vũng bùn của dục vọng, thứ gây ra nỗi khổ niềm đau. Vì vậy, dù có thông hiểu sự vận hành của pháp, thì chỉ có sự kiên nhẫn quan sát mình mới giúp ta có thể tự cứu giúp mình.

Đau khổ có một sức mạnh cực kỳ lớn trong việc thức tỉnh con người.  Nó khiến con người không dám tái phạm lỗi lầm, và nó cũng gián tiếp khiến họ có sức mạnh kiên nhẫn. Và vì trong đau khổ, ít ra, con người ta có lúc sẽ cần phải đối diện với chính họ. Dù sự đối diện này đôi khi bao hàm chống đối, kìm nén,... nhưng thi thoảng nó sẽ chạm vào đúng "chánh niệm - tỉnh giác", và thế, tánh biết bên trong họ phát huy, sự soi sáng này bỗng khiến họ sực tỉnh. Trong đau khổ, con người mới có dịp chiêm nghiệm, mới tự chủ động hình thành cho chính mình khoảng lặng để suy ngẫm về cuộc đời, nhân sinh,... Họ bắt đầu một hành trình tìm kiếm gì đó về ý nghĩa cuộc sống, và sau cùng, trải qua rất nhiều thăng trầm, có người nếm được đạo vị. 

Trong một cuốn sách nào đó, tôi có đọc được ở bên Nhật, hồi xưa có một vị thiền sư bỏ hết nguyên lý tu học mà ông cho là khuôn mẫu của nhà Phật sang một bên để sống một cuộc đời phóng túng: gái gú, uống rượu bia,... và cũng có những vị đệ tử theo phong cách sống của ông. Giờ là một người ngoài cuộc, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề này như thế nào? It ra ta cũng thấy tập khí của con người ma mãnh như thế nào. Để sống tự do khỏi tập khí, để tự do khỏi sa ngã, không phải ai cũng đủ lòng kiên nhẫn lớn lao để làm được. Họ sẽ khoác lên cho lựa chọn sống đó một hệ thống lý luận riêng để bảo vệ cho lựa chọn đó. Tất nhiên, rốt cuộc, đó vẫn là lựa chọn riêng của họ. Không thể bàn cãi. Không thể can thiệp bằng lòng sân hận.

Một người thực hành quan sát chính mình sẽ thấy tập khí của anh sinh diệt "điên đảo" ra sao, khi nói điều này, tôi muốn ám chỉ đến việc bên trong tiềm thức của chúng ta giống như chứa một "rừng cọp háu đói", và khi gặp con mồi ngoại cảnh thích hợp, chúng ngay lập tức nhảy xổ ra. Khi đó, nếu ta buông lung phóng dật theo, chắc chắn ta đã bị tập khí chi phối. Khi một con người để cho tập khí chi phối mình, họ vô thức đồng hóa mình vào tập khí, và làm nô lệ cho tập khí, nhưng lại không nhận thức được diều đó, vì giờ đây, họ và tập khí như thể là một. Họ không còn có khả năng trực nhận thực tại. Nhưng khi họ để tập khí tạo nhân, thì quả của nó liền ngay là khổ. Bây giờ, họ phải đối diện với khổ, thứ mà ai ai cũng vô thức chán ghét. Nhưng cũng trong nỗi niềm này, họ mới đặt ra những câu hỏi cho chính mình.








No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.