ai rồi cũng phải tỉnh mộng

12:12:00 AM
Không chỉ là mơ ban đêm, mà con người cũng thường sống trong cơn mộng mị ngay chính giữa ban ngày. Cơn mộng mị ấy là những ảo tưởng, những tưởng tượng vu vơ không đầu không cuối, có khi thành một câu chuyện, diễn ra một cách vô thức, rồi ta bị cuốn trôi và đánh mất chính mình trong đó. Đó là lý do vì sao nói ta sống trong thế giới ảo nhiều hơn thế giới thực là như vậy. Thực tại này không ảo, nhưng nếu ta không sống trong thực tại, thì chỉ có một trường hợp, là ta đang sống trong sự ảo tưởng do bản ngã tạo ra. 

Khi một người sống trong sự mộng mị, đó chính là luân hồi sinh tử. Ngược lại, khi một người sống hiện diện với thực tại, thì đó chính là niết bàn. Trong bối cảnh cuộc sống tất bật và căng thẳng hôm nay, nhiều người lấy đó làm lý do cho việc "để hạnh phúc cần nhiều ảo tưởng". Nhưng chính việc sống trong ảo tưởng đó lại không thể tạo ra một hạnh phúc vững bền, không những thế, còn khiến họ lạc mất chính mình trong những điều không thực có. 

Khi một người đau khổ, nếu anh ta tìm đến những chất kích thích hay trải nghiệm lạc thú nhằm lãng quên thực tại, và anh ta sống nhiều trong ảo tưởng, nhưng cũng sẽ có lúc anh ta phải tỉnh mộng. Khi tỉnh mộng, đối diện với thực tế, anh ta lại như muốn lạc vào những ảo tưởng. Cứ thế, anh ta chẳng bao giờ có thể an lành vững chãi, mà nếu có thì đó cũng chỉ là một an lành do anh ta tự hoang tưởng ra. Sống trong sự hoang tưởng lâu dài làm con người ta chơi vơi nhiều hơn. Như thế, chỉ có sống thực tế - sống đối diện mới khiến chúng ta trở nên sáng suốt. Và không có một bài học đắt giá nào hơn ngoài việc nương tựa vào chính bản thân mình. Mọi điểm bấu víu bên ngoài đều biến đổi, đều không chắc chắn. 

Có người hỏi, vậy bàn về trí tưởng tượng của những nhà văn, tiểu thuyết gia, thậm chí là trẻ em thì sao? Thực tế, không thể phủ nhận rằng trí tưởng tượng cũng là một hoạt động sáng tạo của con người. Thế nhưng, nếu ta đánh mất mình, lún sâu vào các tưởng tượng hay tìm đến một chất kích thích nào đó để khiến trí tưởng tượng thêm bay bổng, thăng hoa, thì đó lại không phải là điều thật sự trong sáng và tốt đẹp. Cũng có thể nói trí tưởng tượng là một loại khả năng suy nghĩ trong không gian vô hình. Nếu tưởng tượng mà biết mình tưởng tượng, thì điều đó vẫn đang là sống có chánh niệm. Còn nếu bị lạc trôi trong sự tưởng tượng ấy thì lại có khả năng đánh mất thực tại, chưa kể, sẽ tạo thành một thói quen vô thức là đang sống trong thực tại nhưng tâm trí lại mơ tưởng hay mơ mộng quá nhiều. 

Trước đây, tôi vốn dĩ là một người thích mơ mộng, có thể nói là mơ giữa ban ngày. Đôi khi, điều đó khiến ta lầm tưởng rằng ấy là một đời sống thi vị. Nhưng về sau, khi học Phật, tôi mới thực sự trải nghiệm một đời sống thi vị đúng nghĩa. Khi có mặt với thực tại, tôi trân trọng toàn bộ mọi hiện hữu xung quanh mình, và ngắm nhìn tất cả như nó đang là thay vì là cái tâm tham, sân và si của mình. Vì khi có tham, sân và si có mặt, ta cũng đang "bóp méo" bản chất của sự vật ấy. Khi nhìn một bông hoa, tôi thấy nó thật đẹp và trong trẻo làm sao, nhưng không hề có ý sở hữu hay si mê. Thấy hoa trong trẻo và đẹp đẽ nhưng chẳng bám chấp vào. Khi ta sống trong thực tại, ta nhạy với toàn bộ sự sống vì khi đó cái tâm ta có mặt với toàn bộ sự sống. Vậy thì, ta đâu cần lạc vào một miền hoang tưởng nào đó xa xôi.

Và cũng thế, khi đau khổ, tôi cứ đơn thuần có mặt trọn vẹn và trong sáng với đau khổ, thì tôi nhận thấy một sự thật rằng, sự đau khổ ấy chỉ là bề nổi, còn ở sâu dưới lớp đau khổ ấy, lại là sự an lạc và rỗng lặng một cách kỳ lạ. Còn nếu cứ chống đối đau khổ, thì ta sẽ không bao giờ chạm đến, cảm nhận đến cái an lạc và rỗng lặng ấy. Vì bản ngã ảo tưởng của con người chi phối họ quá mạnh, nên họ lại cứ thường đưa bản ngã ra đối trị với tất cả mọi điều. Thành ra, thật khó để họ hiểu điều này nếu họ không trải nghiệm nó một cách chân thực. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.