đừng tin thông điệp của suy nghĩ

Tính chất của bản ngã là muốn chúng ta liên tục bị cuốn vào những dao động để không nhận ra được sự tĩnh lặng, vốn là bản chất của mình. Vì thế, điều quan trọng là cảm nhận được khoảng lặng sẵn có này càng nhiều càng tốt. Khoảng lặng vốn ở khắp mọi nơi khi chúng ta lắng sâu vào bên trong mình, xuyên qua những dao động để cảm nhận điều đó.

Khi một suy nghĩ khởi lên, nó muốn chúng ta lạc vào nội dung hay thông điệp vở kịch của nó. Bởi thói quen đuổi bắt những nội dung thăng-trầm mà dòng suy nghĩ mang lại bên trong chúng ta còn quá mạnh, nên khi một suy nghĩ khởi lên, chúng ta vẫn thường bị chấp vào thói quen này để đuổi bắt ý nghĩa của nó. Nhận ra chẳng có ý nghĩa hay thông điệp nào quan trọng trong những dòng suy nghĩ tự động phát sinh này sẽ khiến suy nghĩ đó chợt tắt trong nháy mắt. Và lúc này, khoảng lặng bỗng hiện ra và điều quan trọng là chúng ta cần cảm nhận được khoảng lặng này. 

Từ ngữ (chữ nghĩa, suy nghĩ) thường gợi thói quen liên tưởng và suy diễn ý nghĩa đằng sau. Bạn có thấy khi một ai đó nói gì đó, thói quen liên tưởng và suy diễn vẫn diễn ra bên trong bạn một cách rập khuôn? Cũng vậy, khi nhìn vào suy nghĩ, nếu chúng ta đuổi bắt nó, thì nó sẽ càng thêm liên tưởng và suy diễn nữa. Không còn cách nào khác cho những liên tưởng này chấm dứt là thái độ không cho rằng chúng quan trọng đồng thời thấy ra không có bất cứ nội dung hay ý nghĩa thiết thực đằng sau đó. Từ đây, chúng ta sẽ không nảy sinh ý chấp hay tin tưởng vào chúng, nỗi sợ hãi cũng vậy tự chấm dứt. 

Khi liên tưởng càng nhiều, nghĩa là dao động kéo dài một cách liên tục. Nó kéo căng thời gian tâm lý bên trong bạn. Thời gian tâm lý là khi bạn chấp vào một suy nghĩ hay điều gì đó, lúc này, bạn đang bị chuyển động từ chỗ này sang chỗ khác nên huyễn hoặc rằng thời gian có tồn tại: từ đây đến kia, từ giờ đến lúc nào đó xong, hoặc khi nào thì hết đau đớn này... Người mắc kẹt vào dao động mạnh nghĩa là càng cần sự cảm nhận về tính không gian lắng-lặng từ sâu bên trong. 

Vào thời của Đức Phật, những đệ tử của ngài đều dành sự cảm nhận khoảng lặng này càng nhiều càng tốt. Và họ nhận ra trở về với khoảng không gian nguyên sơ là thiên nhiên sẽ giúp họ lắng sâu vào không gian tĩnh tự nhiên bên trong mình thuận hơn. Chúng ta thường nói về chữ "giác ngộ" trong đạo Phật, tức thấy biết ra sự thật về khổ - vô thường - vô ngã. Khổ là do dính mắc. Vô thường là mọi sự trong thế giới hình tướng này là biến đổi. Vô ngã là không tồn tại bản ngã, không có bất cứ ngã nào, bản chất của vũ trụ hay bạn là không gian rỗng lặng nơi mà mọi ý niệm đều chỉ là sự diễn tả, không phản ánh được sự thật của bất cứ điều gì. Khi biết về nguyên lý, rõ ràng, thiền sinh cũng cần phải tự cảm nhận khoảng rỗng lặng đó cho đến khi mọi dao động tự lắng vào không gian tĩnh. Tỉnh thức là ngay lập tức, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi tất cả mọi dao động phải lắng ngay lập tức. Điều đó tùy thuộc vào độ tĩnh ổn định nơi mỗi người cũng như cường độ lẫn biên độ đao động của họ nhiều hay ít. Vì thế, điều duy nhất chúng ta cần là cảm nhận được sự tĩnh tự nhiên này càng nhiều càng tốt và không gây thêm tác động. Từ đó mọi phản ứng không thể hình thành. 

Người chưa nhìn ra được nguyên lý thì luôn nghĩ kẻ tu như vậy là ích kỷ. Và người bị chi phối bởi tình cảm, bởi các mối quan hệ cũng tự ràng buộc mình nhiều hơn với thế giới hình tướng này. Mọi suy nghĩ tự diễn đạt một cách tự phát rồi dẫn bạn vào đều không quan trọng. Nó muốn bạn lạc vào thế giới hình tướng. Hãy cảm nhận tĩnh lặng, rồi sự tĩnh lặng đó sẽ tự chăm lo cho cuộc sống của bạn. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.