ảo và thực

Con người tạo cho mình hai đời sống, một đời sống thực tế và một đời sống trong tâm trí. Họ sống trong tâm trí nhiều. Họ lạc vào những hoài niệm, ảo tưởng. Nó đã tạo thành một thâm căn cố đế, như một kẻ nghiện thuốc phiện nhiều năm, và thật đớn đau cho họ khi phải đối diện với thực tại, với những gì bên trong họ, và thế họ muốn lạc vào những giấc mơ, những ảo ảnh của tâm trí... Tôi nhìn thấy điều đó trong những tác phẩm văn học Nhật Bản mà tôi từng đọc. Nhưng nó cũng phản ánh thực tế đời sống nội tâm của phần lớn con người từng và đang hiện hữu trên trái đất này. Dù tôi không đọc quá nhiều, thậm chí chỉ một vài cuốn (đếm được trên đầu ngón tay của một bàn tay) của Haruki Murakami, Higashino Keigo. Đúng rồi. Chỉ hai tác giả này, nếu tôi nhớ không nhầm. Tôi đọc sách rất ít, và văn học Nhật, quả thực chỉ đơn giản có vậy. Nếu nói về sự yêu thích, tôi không thực sự yêu thích, nhưng nói về giọng văn, tôi nghĩ đó là một kiểu "thiền định" dễ dẫn dắt người ta cuốn theo từng con chữ, ập vào tâm lý nhân vật và chính những cảm xúc của mình, để rồi chìm đắm. Tôi gọi 'văn' theo kiểu này cũng là một loại thuốc phiện. Giọng văn men theo một trạng thái khá 'khiêm cung', từ tốn, phải nói như một loại nhạc vừa thực vừa mê mà không được chơi bởi thứ nhạc cụ cụ thể nào, vì thế nó cũng có đôi phần ám ảnh. Và chính vì kiểu giọng văn này, nên những đau đớn mới thật âm ỉ và để lại những dằn vặt vừa mãnh liệt vừa 'nghiện ngập', vừa nhẹ nhàng nhưng vừa ám ảnh.

Con người vẫn yêu thích tiểu thuyết, những câu chuyện hư cấu, vì tại đó, cũng bộc lộ được mong muốn được mơ thay vì sống đối diện với thực tại của họ. Tiểu thuyết là kiểu lý tưởng hóa cuộc sống, có những lý tưởng theo chiều hướng cực đoan tiêu cực và ngược lại. Dù là gì đi nữa, thì tình yêu trong tiểu thuyết như của Haruki Murakami hay Higashino Kegio đều được đẩy lên cực hạn của nó. Một kiểu tình yêu vô điều kiện độc hại nhưng được ca tụng. Bởi điều này chạm vào bản ngã ham muốn của mỗi người, chứ không phải là lương tâm hay bản chất thật sự của họ. Nhưng tôi thấy con người yêu thích sống kiểu vậy. Họ thích tự tạo ra những vở diễn. Họ không muốn sống đơn giản. Sông đơn giản là một điều gì đó rất khó khăn đối với họ. Gỡ rối cuộn chỉ bị rối nhiều năm thì khó hơn là làm cho nó rối thêm. Con người là như vậy. Họ thật sự không muốn gỡ rối. Họ cứ bị lạc vào rối rắm. Họ ít khi suy nghĩ giản đơn. Họ tự vạch vẽ cho mình những câu chuyện và sống trong câu chuyện đó. Họ tách mình ra thành những 'cái tôi', để rồi là một kẻ đa nhân cách mà không biết. Họ hoàn toàn không biết cho đến khi họ đi vào cực hạn đau khổ. Những kiểu người này xuất hiện khá nhiều trong những cuốn sách của hai tác giả Nhật trên mà tôi đã đọc. Tôi đọc vì tình cờ. Và tất nhiên, tôi cũng học được một số thứ từ những cuốn như vậy. 

Con người đã quá quen với việc diễn nên thật khó để xem mình diễn. Không phải việc diễn khiến họ thăng hoa hơn, mà vì sự ảo tưởng đó là một kiểu thuốc phiện với họ, nên họ chưa hiểu được cảm giác sau khi họ đã cai được cơn nghiện sẽ như thế nào. Nên họ vẫn lệ thuộc vào thuốc phiện. Ngay cả niết bàn, thì con người vẫn có thể ảo tưởng ra, và thứ niết bàn vẫn nằm trong ảo tưởng của họ. Vậy nên, ai đó nói niết bàn là một đại mộng là như vậy. Có lẽ, sẽ cần nhiều rối rắm hơn để chúng ta mới có thể ngộ ra sự đơn giản là thế nào. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.