sức mạnh
1/ Làm người, bài học là làm sao để yêu thương nhưng không rơi vào cực đoan luyến ái, là quan tâm nhau nhưng không rơi vào cực đoan bận tâm hay kiểm soát, là chăm sóc nâng đỡ nhau nhưng không rơi vào cực đoan lãnh đạm hay trở thành nơi cho người khác phụ thuộc. Để học ra những bài học đó, thật thú vị làm sao, pháp đã mang đến vô vàn trải nghiệm cho con người: từ gia đình, hôn nhân, yêu đương nam nữ, tình bạn, môi trường công sở,... Ở bất cứ nơi nào, chúng ta đều bắt buộc phải tương giao hay tương tác với những cá thể khác. Không có sự giác ngộ nào là một mình, dù trong chúng ta có thể có cảm giác rằng mình thật cô đơn, mình thật đơn độc, nhưng chúng ta luôn có một sự tương giao nhất định và tự nhiên với những chúng sinh khác. Và bài học lớn nhất của đời người, là làm sao có thể sống cân bằng trong những tương giao này. Muốn vậy, họ phải tự trải nghiệm (hôn nhân, gia đình, yêu đương, tình bạn, sự nghiệp,...) một cách đối diện, không né tránh để thấy ra hành vi và nhận thức của bản thân đang trói buộc bản thân ra sao, đang rơi vào cực đoan nào, thì khi đó, họ mới thấy ra chính mình giữa những giằng xé nội tâm.
2/ Giờ đây, khi đời sống văn minh ngày càng phát triển, con người lại càng muốn ngoại cảnh theo ý mình. Họ luôn phó thác hạnh phúc của chính họ cho chiếc xe hơi, cho nhà cao cửa rộng, cho bộ quần áo hàng hiệu, cho danh lợi, cho tài năng, cho tình yêu,... Chính thế, khả năng miễn dịch trong tinh thần của họ cũng dần suy giảm. Nói điều đó có nghĩa rằng, khi ngoại cảnh dễ dàng, và tâm tìm cầu hướng đến việc phải có một hoàn cảnh thuận lợi, thì tinh thần con người khó có thể khám phá được sức mạnh tiềm ẩn và vô tận của nó. Nhưng thú vị thay, bất cứ ai tìm cầu điều kiện bên ngoài thuận lợi, thì lập tức, bèn có một điều kiện khó khăn đến với họ. Vì sao như vậy? Đó là quy luật cân bằng. Nhân quả là quy luật cân bằng (gieo nhân nào thì gặt quả nấy), luật cho - nhận là luật công bằng (cho đi thì nhận lại). Như vậy, tìm cầu điều kiện hoàn hảo theo ý mình sẽ chắc chắn đối đầu với điều kiện không hoàn hảo như ý mình. Nhị nguyên là sự đối kháng, nhưng chính nhị nguyên là sự cân bằng. Có sáng thì có tối. Có hạnh phúc thì có đau khổ. Có tìm cầu giàu sang thì chắc chắn có lúc sẽ đối đầu với nghèo khổ. Chỉ khi con người dừng lại việc tìm cầu sự thỏa mãn chính họ, thì lúc này, họ mới không bắt gặp những cặp nhị nguyên trong đời sống.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.