núi

Đời sống thế gian như phần ngọn núi nhô lên, và vô ngã là chỗ ngồi vững chãi của nó. Bởi chỗ ngồi đó thực sự vững chãi, nó nâng đỡ phần ngọn núi khổng lồ một cách tự nhiên, nhẹ như thinh không. Khi quay vào bên trong, chúng ta sẽ cảm nhận không gian "chỗ ngồi" an tịnh và vững vàng từ bên trong, lan tỏa bao phủ sức mạnh ấy lên tất cả, và tất cả là chính nó. Phần ngọn núi bao giờ cũng biến đổi, nhưng phần chân núi là tĩnh lặng. 

Một lần nọ, một vị thiền sư dạo quanh một ngọn núi thì bị vài người dân địa phương đi ngang qua đánh vào phần chân của ngài và đòi ngài hãy đưa cho bọn họ ít tiền. Tâm trí vị thiền sư không bất bình hay phản ứng, bèn nói: "Các anh cứ việc đánh vào cái chân còn lại! Tôi không có gì để cho các anh" Khi trở về đạo tràng, các tín đồ biết đến chuyện này liền vô cùng bất bình và có ý muốn tìm đến những người kia để cho bọn họ một bài học. Nhưng vị thiền sư bèn nói: "Không, đó không phải là điều mà một sadhu nên làm. Hãy kiên nhẫn, hãy chịu đựng. Đó mới là điều mà một sadhu nên làm!" 

Trong đời sống thế gian này khi cơ thể này là một thân nữ, phản ứng tâm trí thường xuyên là giữ gìn nó hoặc sợ hãi điều gì không hay sẽ xảy ra, vì tâm trí bị in hằn một quan niệm rằng: 'phụ nữ thì chân yếu tay mềm!' Đó là lý do vì sao khuynh hướng tâm trí của người nữ luôn là cần một chỗ dựa (đàn ông hoặc tiền bạc) vững vàng, và khi chỗ dựa này biến đi hoặc có nguy cơ ra đi, thì họ rất sợ hãi. Có một thời gian khi ở vùng rừng kia, và ngôi nhà gỗ thì cách thôn làng một quãng. Nó ẩn dật, ở trong một rẫy giáp rừng, và lối vào chỉ đơn giản là men qua những rẫy và suối nhỏ. Một số người phụ nữ trẻ tuổi, từ vùng khác chuyển đến, bèn ái ngại thay cho người viết: "Em phải xem xét đi, chứ một mình như vậy không ổn đâu!" Từ trong thâm tâm người viết luôn ý thức chính mình, và lời nói và các sự kiện thế gian là những biến động (nếu phải xảy ra) thì không bao giờ có thể tránh khỏi. Vô ngã luôn thấu rõ được những nỗi sợ hãi còn tiềm ẩn bên trong chúng ta, nó biết rõ khả năng nhận thức của chúng ta tới đâu, và các sự kiện xảy ra với thân-tâm này nếu có thì đều hợp lý, đều cần thiết, nhằm thúc đẩy ý thức hướng nội trở nên mạnh mẽ hơn. Điều cốt lõi, là trong bất cứ tình huống nào của đời sống thế gian này, hãy đừng phản ứng tâm trí. Hãy nhớ đến chính mình, hãy ý thức chính mình, vậy là đủ. 

Sự quay vào bên trong rất khó khăn, và nó đòi hỏi sự nhẫn nại lớn lao, hay nói cách khác phải là sự nhẫn nại "khủng khiếp". Bởi các thói quen tâm trí và nỗi sợ hãi bên trong chúng ta quá mạnh. Luôn có một cảm giác gì đó cứ xao động bên trong chúng ta rằng có điều gì đó không hay xảy đến, có điều gì đó bất an đang diễn ra, và chúng ta liền bị đồng hóa vào sự mơ hồ và thấp thỏm ấy. Chướng ngại đến từ việc chúng ta để ý quá nhiều đến những chuyển động, mà không đưa tâm lắng vào sự bất động, sự an tịnh sâu thẳm bên trong. 

Địa ngục cùng cõi trời, cõi người, cõi ma, cõi súc sinh... là các ảo tưởng, đừng bám vào chúng. Hãy chỉ nhìn thấy tĩnh lặng, và nó ở khắp mọi nơi, khi nó được kinh nghiệm ở bên trong chúng ta. Đừng để tâm trí sa vào các suy nghĩ hướng về đối tượng, và đặc biệt là đừng để các suy nghĩ đó náo động không gian tâm thức khiến các cảm xúc dấy lên và đưa chúng ta sa vào cái cảnh giới do tâm đan dệt vẽ vời. Hãy ý thức chính mình, bám vào nguồn sức mạnh nội tại bên trong. Hãy kiên nhẫn và đức tin đó sẽ vững vàng và dễ dàng "nâng đỡ" ngọn núi khổng lồ bên trên nó. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.