dao động tâm lý

Có hai loại dao động, dao động vật lý và dao động tâm lý. Dao động vật lý là những sự va chạm tự nhiên mang đến những chuyển động hay làn sóng dao động tự nhiên. Dao động vật lý là sự kết hợp của những duyên mà ta có thể thấy hoặc không thể thấy được. Nó bộc phát một cách không thể dự đoán chính xác. Đó vốn là bản chất của tự nhiên. 

Dao động tâm lý là khi bên trong ta chấp vào điều gì đó, từ đó tạo ra phản ứng tâm lý hay dao động tâm lý. Tất cả mọi dao động đều có tính chu kỳ, mà đúng là chu kỳ sinh-diệt. Hãy nhìn vào tự nhiên, vào chính cơ thể bạn và thấy ra chu kỳ của nhiều thứ. 

Khi ta vứt một viên đá nhỏ xuống mặt hồ. Viên đá chìm xuống dưới, và ta thấy mặt nước lan ra với dao động mang tính làn sóng. Rồi làn sóng đó tự tan ra và hòa vào sự im ắng. 

Khi ta vứt một viên đá to hơn xuống hồ và với một lực mạnh hơn. Viên đá chìm xuống dưới, mặt nước không chỉ lan ra mà còn bị phóng lên với dao động mang tính làn sóng mạnh hơn và mất một quãng lâu hơn để tan ra và hòa vào im ắng. 

Dao động tâm lý cũng tương tự như vậy. Dao động tâm lý mang tính làn sóng. Tùy vào cường độ lẫn biên độ mà làn sóng đó gây ảnh hưởng lớn hay nhỏ. Hãy nhìn điều này thông qua những sự kiện mang tính lịch sử. 

Trong các cuộc chiến tranh, dao động tâm lý đến từ một niềm tin nào đó vào một tư tưởng nào đó. Nếu cùng rất nhiều người tin vào niềm tin này, chúng ta thấy rất nhiều người cùng vùng dậy và làn sóng ảnh hưởng cực kỳ rộng lớn. Nếu niềm tin đó là cực đoan, là có ý hãm hại, thì nó sẽ tạo ra một làn sóng chết chóc và tổn thương đặc biệt rúng động. 

Thế giới hình tướng là thế giới của những dao động liên tục, mà ta gọi là sự sống chuyển-biến-hóa không hồi kết. Nhưng những dao động tâm lý đến từ sự dính mắc chủ quan, vì thế, nếu không còn sự dính mắc thì không còn dao động tâm lý. Mà chỉ còn là những dao động tự nhiên của thân-tâm khi tương giao với thế giới. Để kết thúc dao động tâm lý, chúng ta cần nhìn thẳng vào nguyên nhân gây ra dao động tâm lý. Đó là những cơ chế ngấm ngầm mà bạn bám vào và từ đó các phản ứng tâm lý xảy ra. Cơ chế ngấm ngầm là những dao động còn sót lại của quá trình dính mắc cũ. Ta gọi dính mắc là một quá trình vì ở đó cường độ và biên độ diễn ra. Giống như khi viên đá bị ném xuống nước, sự "chấp" này đã qua, và còn lại là các dao động từ việc dính chấp. Như vậy, sự phát hiện ra những mô-típ suy nghĩ cũ còn ám ảnh bên trong bạn đồng thời xuyên qua được chúng bằng sự lắng-sâu-vào-bên-trong để cảm nhận tĩnh lặng và tỉnh táo trong thực tại là yếu tố cốt lõi. 
 


No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.