thanh thản trong các mối quan hệ
Dường như trong đời sống, việc chúng ta giữ thành kiến-ý kiến với ai đó chiếm lấy khoảng không gian tâm thức của chúng ta đa số. Bạn có nhận ra điều đó? Vì khổ não mà chúng ta gặp phải, phần lớn đến từ việc chúng ta vẫn chưa dứt được những tà kiến, nhìn nhận sai lầm đối với người này hay người khác, chúng sinh này hay chúng sinh khác. Ta cho rằng họ sai, mình đúng. Ta cho rằng họ ích kỷ chỉ biết nhận, còn ta đã cho hết mà nhận lại toàn đắng cay. Ta cho rằng họ thiếu lắng nghe, còn ta đã hết lòng trong mối quan hệ... Từ đây, dường như chúng ta đã lạc lối tự lúc nào khi mà không một phút giây nào trong ngày, chúng ta được thanh thản và vui tươi thật sự.
Phần lớn những người mà người viết gặp, khi kể chuyện, họ đều kể về người khác, hoặc than vãn về đau khổ mà họ phải chịu đựng là do người này hay người kia gây ra. Trước khi đi ngủ, họ nghĩ về ai đó, sau khi tỉnh dậy nỗi ám ảnh ấy lặp lại. Chúng ta cứ quán chiếu thật rõ ràng, ta sẽ thấy phần lớn rắc rối mà chúng ta gặp phải là bởi vì chúng ta tư duy chưa đúng đắn và thông suốt. Tâm chúng ta vẫn còn mang nhiều định kiến, vẫn còn mang những nhìn nhận chủ quan, sai lầm và hạn hẹp với người này hay người khác, với đối tượng này đến đối tượng khác.
Như vậy, làm sao để dứt được điều này? Đó là một câu hỏi thực tế, nhưng để giải quyết triệt để thì xin hãy quán chiếu thật kỹ càng và khách quan.
- Mỗi người đều đang bị chi phối ít nhiều bởi tham đắm, oán hận và si mê. Hãy quán chiếu vào chính chúng ta, chúng ta thấy rõ, không phải lúc nào trong đời sống, chúng ta cũng đầy hoan hỷ, tĩnh lặng và trí tuệ, những lúc không như vậy, rõ ràng chúng ta cũng bị tam độc dẫn dắt. Vậy thì người khác cũng thế. Họ cũng đang bị điều khiển ít nhiều bởi những thói quen tâm trí. Ta không thể đòi hỏi ở người khác sự thay đổi, khi mà họ còn chưa thấy rõ chính mình, hơn nữa, sự đòi hỏi ấy vẫn là một dạng của tâm sân. Nếu rõ biết mỗi người đều bị tam độc dẫn dắt ít nhiều, chúng ta thực sự cảm thông cho mình cho họ, bởi vì chúng ta không thấy rõ chính mình và không được dẫn dắt từ sự thấy rõ đó.
- Nhìn chung, khi tương tác với các đối tượng khác, chúng ta vẫn thường bị dẫn dắt bởi quan niệm "tôi" và "họ" hay "tôi" và "những gì không phải là tôi, của tôi", tức chúng ta đã bị đồng hóa vào cái tôi trước, nên sự nhìn nhận của chúng ta ngay từ đầu đã thực sự sai lầm. Chính niềm tin sai lầm này tạo ra những vấn đề tiếp theo, vì nguyên nhân gốc rễ của mọi khổ não đều đến trực tiếp từ việc không nhìn rõ sự thật. Khi bạn cho rằng "tôi là con người này, với suy nghĩ cảm xúc thân thể của cải này..." này thì bạn liền lập tức tạo cho mình một ranh giới có vẻ độc lập riêng biệt với những thứ khác, vì thế bất cứ thứ gì có vẻ xâm phạm, phỉ báng... "lãnh thổ" mà bạn cho là mình, của mình; thì phản ứng tâm trí mang tính kiểm soát, nắm giữ sẽ điên cuồng quấy nhiễu bạn. Khi bạn quán chiếu sâu xa điều này, hẳn bạn cũng dễ thấu hiểu cho người khác, vì sao họ hành xử như vậy.
- Khi nghĩ về điều gì đó, bạn có thấy nó ở trong tâm trí mình? Chứ không phải thực sự là điều đó, con người đó? Cái gì chuyển động trong tâm trí, dù là suy nghĩ về một ai, hình ảnh về ai đó... đều là ảo tưởng. Nó không thực. Tại sao biết nó không thực? Vì chỉ cần bạn không bị dẫn dắt bởi nó nữa, hoặc chú ý sang một điều gì đó khác như hơi thở, niệm Phật, hoặc ngủ sâu, nó liền mất dạng. Vì thế, hãy tỉnh táo để biết cái gì là thật, là ảo. Khi bạn biết cái gì là ảo rồi thì bạn không sa đà, nhưng có thể chủ động lựa chọn một ý niệm/đối tượng... tràn đầy cảm hứng hướng thượng nào đó như một sự kích hoạt cho sự tập trung tâm trí, không hơn không kém.
- Đạo Phật hay sự thực hành tỉnh thức nói chung thực sự dành cho những người có trí tuệ cao, lý trí sáng suốt và nội tâm dễ tha thứ, giàu yêu thương. Trong sự thực hành này, đòi hỏi nhìn rõ chân tướng và khi nhìn rõ chân tướng thì phiền não liền ngay lập tức suy yếu và sụp đổ.
Phần lớn những người có phiền não từ năm này qua năm khác không suy yếu, ít suy yếu hoặc âm ỉ mãi không thôi, là vì cái thấy bị che lấp bởi vô minh (tư duy sai lầm/tà kiến). Trong thực hành chánh pháp, chánh kiến phải được ưu tiên, phải thực sự thấy rõ, còn không, bạn không thể đi vào chánh định. Định là hệ quả của thấy rõ.
Thực ra, khi quán chiếu sâu xa, bạn sẽ thấy tất cả mọi chúng sinh trong vũ trụ đều không có ngã (cái tôi). Ví như, khi đặt câu hỏi "Tôi là ai", càng trả lời, thì lại càng đi đến chỗ không thể trả lời được. Phải vậy không? Điều đó có nghĩa, khi dứt được mọi tà niệm, được mọi suy nghĩ, thì chân tánh (tức bản tâm chân thật của chúng ta) liền hiển lộ. Đó là một tâm trí hoàn toàn thanh tịnh, không bị cấu nhiễu bởi bất cứ đối tượng nào.
Để có thể tiến xa hơn trong sự quán chiếu này, hành giả hãy nhớ lấy một nguyên lý: Khi tâm trí có vẻ bị phiền não bởi đối tượng, hãy biết rằng đối tượng là duyên, nó không phải nhân. Nhân nằm ở bên trong. Hãy quay tâm trí vào trong, sáng suốt thấy rõ tiến trình phản ứng đó cho đến khi nó chấm dứt hẳn. Ví dụ, bạn thấy có một con chó sủa về phía mình, nếu được, nhắm mặt lại và cái thấy lập tức không bị hướng ra con chó, mà quay vào bên trong. Cái thấy vẫn kiên định trong cái thấy, nỗi sợ hãi tự dưng giảm thiểu cho đến đứt hẳn vì không còn bị hướng về phía đối tượng. Vậy, ý thức của chúng ta đặt ở đâu, sẽ định nghĩa nên chúng ta.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.