phù hợp
Nếu hành giả thực sự khao khát sự giải thoát, điều đó đòi hỏi mỗi người phải nghiêm túc quán chiếu thật sâu sắc về những món ăn mà các giác quan đang ăn mỗi ngày. Món ăn nào thực sự mang tính phù hợp -trong lành, và món ăn nào đang gây thêm nhiều phiền nhiễu-ràng buộc, để từ đó có một cuộc "đại thanh lọc''. Trong đạo Phật, các cư sĩ đến tu sĩ phải giữ giới vì nhằm thanh lọc tối đa những "ô nhiễm" có khả năng quấy nhiễu thân-tâm-trí. Chúng ta không thể sống một cuộc sống gọi là tự do khi mà chưa có đủ chánh kiến (trí tuệ sâu sắc), vì cái gọi là tự do đó rất nhiều nguy cơ trong đó là buông lung, phóng dật, phóng túng, dễ duôi, lệch lạc đạo đức... Tất cả những người phát tâm tu hành đều phải thấy rõ vì sao cần giữ giới, và vì sao cần lựa chọn món ăn phù hợp với thân lẫn tâm, vì tất cả mọi đau khổ đều đến từ việc chúng ta không biết điều gì là phù hợp và hỗ trợ cho chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng tự do tư tưởng là tự do, nhưng thực sự, sự tự do tư tưởng mà chúng ta nói là nguyên nhân của rất nhiều sự bệnh hoạn lẫn phiền não. Sự tự do thực sự là khi mà bản tâm chúng ta hoàn toàn thanh tịnh, mà để được vậy, nó cần phải đi qua một quá trình thanh lọc khỏi những tác nhân gây động loạn, mất giá trị đạo đức...
Cũng giống như phần lớn những người tu hành, người viết cũng theo quá trình "văn - tư - tu". Một số điều kiện khá thuận lợi ban đầu khiến bản thân có nhiều thư thái, nhưng sau đó khi điều kiện trở nên khó khăn, thì căn cơ tu hành bộc lộ, đòi hỏi bản thân phải trở nên nghiêm túc hơn trong sự lắng nghe, quán chiếu, tư duy và có những thì giờ chất lượng định tĩnh-sáng suốt. Nói về các tập khí hay thử thách bên ngoài mang tới, bạn đang trải nghiệm những gì, người viết đã từng hoặc cũng có thể đang phải trải qua những chướng ngại đó. Vốn dĩ, ấy là điều không thể tránh khỏi, chỉ có bản lĩnh lẫn trí tuệ mỗi người chúng ta khác nhau, và điều đó quyết định đến khả năng chứng đạo nhanh hay chậm.
Đức tin vào chính mình là hoàn toàn cần thiết, nhưng trí tuệ lẫn lý trí sắc bén thực sự vô cùng quan trọng trong hành trình hướng thượng. Bởi nguyên nhân gốc rễ của đau khổ đến từ việc không có khả năng thấy rõ chân tướng, tức chúng ta bị dính mắc vào những tà kiến, tư duy sai lầm. Mà để giải thoát, thì đòi hỏi thiền sinh phải có khả năng thấy rõ, một trí tuệ sắc bén để thấy ra các niềm tin lệch lạc dẫn đến phiền não, cũng như lý trí mạnh mẽ để không sa đà vào nghiệp cảm xúc. Một người nghiêng về xúc cảm sẽ khó tu hành hơn, vì anh ta bị dập dềnh, "hành hạ" giữa những đợt sóng vô định mà dường như thật bất lực khi không có khả năng thăng bằng. Người có lý trí sáng suốt sẽ vượt lên được điều này, khi anh ta dùng ánh sáng nhận thức để không sa đà vào những bẫy tình cảm, xúc cảm lao đao không đáng có.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.