khiêm tốn
Có hai nhà tu đang ngồi thiền dưới một gốc cây, thì vị thần Shiva xuất hiện. Vi Kha, một tron hai tu sĩ bèn tò mò hỏi Shiva: "Thưa ngài, ngài là đấng toàn giác, ngài hẳn sẽ biết lúc nào thì tôi giác ngộ chăng?"
Shiva bèn nói: "Anh còn 5 kiếp nữa."
Nghe đến đây, Vi Kha lòng buồn rũ rượi, nghĩ lại công sức tu tập bao lâu nay chẳng lẽ không thể thành tựu trong đời này. Sự chán nản kèm theo những bực bội. Tự dưng chỉ sau khi nghe một câu của Shiva mà anh ta bỗng như suy sụp, mặc cho trước đó có vẻ tinh tấn lắm.
Đông A, nhà tu còn lại, bèn hỏi: "Vậy còn tôi thì sao, thưa ngài?"
Shiva bèn bảo: "Hãy nhìn số lá trên cây này. Cây nào có bao nhiêu lá, thì anh còn bấy nhiêu kiếp nữa mới thành tựu."
Đông A nhìn lên cây, còn chả thể đếm được nó có bao nhiêu nhánh, chứ chưa nói đến số lá, có thể trên ngàn chiếc lá, có khi hơn như thế. Nhưng một niềm hoan hỷ bỗng chực trào trong lòng anh ta, anh ta bèn thưa: "Cám ơn Shiva, vậy là ngài đã cho tôi có niềm tin rằng sự chứng ngộ này có thể xảy ra. Ngài đã nhấn mạnh rằng đó là chắc chắn."
Bỗng ngay lúc đó, một cơn gió thổi ngang qua, và những chiếc lá trên cây bị rụng hết sạch để chỉ còn lại một chiếc lá. Có nghĩa là trong kiếp này, anh ta sẽ thành tựu tâm linh.
Điều mà người viết nhìn thấy ở sự tu tập của chúng ta đó là kiêu ngạo. Chúng ta thường nghĩ rằng mình, với tư cách là một cá nhân, đã nỗ lực hết mình cho sự tu tập và đòi hỏi một thành quả xứng đáng. Nhưng ở góc nhìn cá nhân, chúng ta sẽ không thể rõ khi nào thì mọi chướng ngại tâm trí này kết thúc, và sự chứng ngộ xảy ra. Điều đó không thể được định đoạt bởi chúng ta (với tư cách cá nhân), mà là một "quyền năng" cao hơn - một trí tuệ cao hơn mới có khả năng phán xét sự nỗ lực của chúng ta đến đâu, và độ chín muồi tâm thức nơi chúng ta như thế nào.
Sự kiêu ngạo đến từ niềm tin sai lầm rằng có một cá nhân đang thực hiện toàn bộ những nỗ lực này, và xem đó là công sức mà mình đã bỏ ra, và phải nhận lại một thành quả ưng ý. Cái tôi cá nhân luôn có cảm giác mình đặc biệt và muốn có phán xét công bằng và xứng đáng cho nó, và đó là một chướng ngại rất lớn của sự thực hành tâm linh. Hãy nhận ra không có ai đang nỗ lực, và sự kiêu ngạo sẽ sụp đổ. Từ đó, sẽ có một sự bằng lòng hết sức sâu sắc như sự bằng lòng đã diễn ra trong tâm khảm Đông A, dù bên ngoài - hay thậm chí một đấng toàn giác - có phán xét như thế nào.
Càng khiêm tốn bao nhiêu thì càng có lợi cho sự thực hành tâm linh bấy nhiêu. Có nghĩa rằng, cần nhớ 3 nguyên tắc: Không đòi hỏi - không than vãn - không kiêu căng. Sự thực hành không vì mục đích cá nhân, mà chỉ đơn giản là kinh nghiệm sự thật một cách ổn định, và mọi khuynh hướng tâm trí sẽ dần suy yếu. Nhưng nếu ham muốn bên trong chúng ta vẫn còn, ngay cả khi đó là ham muốn một chiếc đùi gà, thì sự tái sinh vẫn sẽ tiếp tục.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.