ý thức chính mình là đủ

Suốt vô vàn kiếp sống, chúng ta luôn hướng ý thức ra những thứ không phải là mình, và từ đó, việc truy tìm danh-tướng (ý niệm-hình tướng) nhằm thỏa mãn cái tôi cá nhân cứ luôn chực trào từ bên trong. Đó là nguyên nhân cho mọi trạng thái tạm thời như chán chường, bồn chồn, bứt rứt, khó chịu diễn ra. Mà chúng quy lại, chúng chỉ đơn giản là hệ quả của việc cái tôi cá nhân “chưa tìm ra” thứ mới khiến nó thỏa mãn. Khi nó chạy đuổi theo một thứ mới gì đó, nó cảm thấy được thỏa mãn về mặt cảm xúc. Nó cảm thấy nó có ích, có lẽ sống. Nhưng khi đạt đến mục đích rồi, nó lại lăn ra một cách đầy trống rỗng. Thứ bản ngã muốn luôn là một quá trình tìm kiếm sự thỏa mãn. Nó cần một cái đích đến, nó tìm mọi cách thức, nghĩ bao điều, xoay đủ hướng để đạt được đích đó, nhưng khi đạt đích rồi, sự thỏa mãn dâng lên, nhưng nó không ở đó được lâu. Khi sự thỏa mãn đó kết thúc, nó sợ cái cảm giác trống rỗng, sợ không có cái gì đó để lấp đầy, để hướng tới, và thế, các mục tiêu liên tục được vạch ra, các kế hoạch liên tục được giăng thành từng hàng để cái tôi cá nhân đó không bao giờ được ngơi nghỉ.

Khi quay vào bên trong, ý thức chúng ta luôn nhìn thấy một đống hỗn loạn trong không gian ý thức, nó là hệ quả của một quá trình vướng mắc. Quá trình vướng mắc bao giờ cũng tạo ra “đống tro tàn” chất thành chồng. “Đống tro tàn” này khuấy động, dâng lên từ dưới lên bề mặt không gian ý thức, và tâm trí cảm thấy rằng nó đang bị khiêu khích. Nhưng thực ra là tâm trí đang phản ứng lại với những tàn tích đó. Đống hỗn loạn đó luôn có lực đẩy hướng ra một cách dữ dội, có khi mơ hồ, có khi bứt rứt không yên. Khi tâm trí cho rằng nó đang bị khiêu khích, nó sẽ phản ứng lại, nó kiểm soát, chống đối, hoặc quay ra ngoài nhằm khỏa lấp đi cái thấy về những tàn tích đó. Bạn sẽ thấy, các suy nghĩ hay thói quen tâm trí là hướng ngoại, nhưng sự quay vào trong luôn là ngược chiều với chúng. Sự quay vào trong là ý thức hướng nội. Điều đó có nghĩa là bạn không được theo dõi suy nghĩ, không được quan sát suy nghĩ, vì suy nghĩ không phải là bạn. Bất cứ lúc nào bạn nảy tác ý quan sát suy nghĩ, suy nghĩ luôn bị kéo dài ra, nó sẽ thể hiện nhiều hơn. Như một ca sĩ muốn nổi tiếng, tác ý của cô ta là muốn được chú ý nhiều, và khi được chú ý nhiều, cô ta sẽ thể hiện nhiều. Các suy nghĩ tương tự như vị ca sĩ đó. Chúng muốn bạn chú ý đến nó. Nhưng đã đến lúc bạn phải chọn chú ý đến chính mình, chú ý vào không gian ý thức thuần khiết bên trong, chứ không phải là hằng ha sa số suy nghĩ.

Các suy nghĩ nảy tự động không hề nằm trong sự chủ động ý thức của bạn, và thế chúng đều không hề cần thiết. Như vậy, tại sao bạn lại mất năng lượng cho việc chú ý vào những điều không cần thiết như vậy. Bởi vì, thói quen tâm trí luôn là chía ý thức vào cái gì đó mang tính khái niệm và hình tướng. Bao lâu nay, nó chỉ cảm thấy sự hấp dẫn ở danh-tướng, chứ không phải là ngược lại (vô hình tướng). Vì tự chính thói quen tâm trí hay các suy nghĩ không hiểu gì và không cảm nhận được vô hình tướng cho đến khi chúng biến mất. Và tất nhiên, suy nghĩ thì sợ sự biến mất của nó, và thế, nó sẽ dẫn dắt bạn đi theo nó, ngày trở nên vi tế, nếu ngay từ ban đầu, bạn không nhận ra chỉ ý thức chính mình là đủ.

Khi nói đến chỉ ý thức chính mình là đủ, nhiều người không hiểu hoặc hiểu sai, vì họ không biết “chính mình” ở đây là gì. Như vậy, nó đòi hỏi sự quay vào bên trong, để biết cái gì không phải là mình. Suy nghĩ không phải bạn, vì sự biến mất của chúng không hề ảnh hướng đến sự tồn tại của bạn. Cảm xúc tương tự như vậy. Và cơ thể này cũng thế, nó không hề được biết đến khi ngủ sâu nhưng rõ ràng, bạn vẫn tồn tại trong giấc ngủ. Và tự chính cơ thể này không nói nó là bạn, chỉ suy nghĩ nói nó là bạn. Suy nghĩ tự đồng hóa vào cơ thể và cho rằng nó là bạn, hoặc một số thứ gì đó là của bạn. Khi sự đồng hóa biến mất, còn lại gì? Chỉ đơn giản là sự hiện hữu, hay không gian ý thức vắng lặng. Thứ không đến và đi, là bạn. Thứ đến và đi, không phải là bạn. Như vậy, hãy ý thức vào không gian vô hình tướng, chứ không phải là chía ý thức vào một hay vài danh-tướng. Ngay cả các phương pháp niệm Phật hay neo vào một suy nghĩ, thì nó vẫn phải xuất phát từ không gian vô hình tướng, nhằm loại bỏ các khuynh hướng tâm trí, và câu niệm lẫn ý nghĩ neo vào đó cũng phải biến mất để chỉ còn lại một tâm trí hoàn toàn rỗng lặng.

Hãy chỉ ý thức chính mình, và không gian ý thức đó sẽ bao quát được những gì đang diễn ra trong nó. Nhưng khi tác ý chía ý thức vào cái gì đó, thì ý thức đó đang bị giới hạn trong đối tượng, hay nó đang bị phân mảnh. Nó sẽ bị u mê bởi sự biểu diễn của đối tượng. Nó sẽ tự lạc lối, tự đánh mất nhiều năng lượng trong quá trình u mê đó. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.