tự trói mình với hoàn cảnh
Khi có quá nhiều điều kiện hoàn hảo cho việc kích thích sự dính mắc, chúng ta cần chiêm nghiệm để biết tránh hay hạn chế những điều kiện ấy. Ví dụ, trong giai đoạn phát huy nhận biết, nếu càng làm những việc liên quan đến tư duy logic, lập luận, giao tiếp với quá nhiều người hay nói chung quy là ở trong môi trường kích thích cái đầu quá mạnh, thì rất khó để bạn cảm nhận được sự tĩnh lặng tự nhiên từ bên trong. Lúc này, sẽ có cơ chế ngấm ngầm muốn bạn có những giây phút được xoa dịu về mặt tinh thần, như ngồi thiền hay đắm mình vào một bản nhạc, bộ phim nào đó. Bạn cũng sẽ cảm nhận được chút tĩnh lặng, nhưng tĩnh lặng này không tự nhiên, vì nó có động cơ đằng sau. Loại tĩnh lặng này không thể phát sinh trí tuệ.
Tránh một số điều kiện nào đó không có nghĩa là bạn đang trốn tránh về mặt tâm lý với bất cứ điều gì, mà là nhạy bén với những gì đang diễn ra để biết điều kiện nào là phù hợp hay chưa phù hợp với bản thân ngay lúc này. Nó không còn là sự chọn lựa về mặt được-mất, tốt-xấu của lý trí nữa. Nó là quyết định ngay lập tức, không còn nỗi lo sợ hay đắn đo. Nhưng nhiều người tự ràng buộc mình vào một hoàn cảnh nào đó. Chính họ dính mắc vào suy nghĩ tự ràng buộc ấy. Vì suy nghĩ luôn đóng khuôn chúng ta vào một vùng an toàn, và nếu có ý thoát ra vùng an toàn đó, thì họ liền mắc kẹt vào phản ứng sợ hãi và liền kiểm soát bản thân phải bắt buộc ở trong tình trạng như vậy. Ví dụ, có người thấy không thể nào bỏ công việc hiện tại được. Đó là công việc khiến cái đầu của họ phải tư duy liên tục, phải lập luận, phân tích liên tục. Như vậy, khi họ vẫn còn làm những công việc dính đến suy nghĩ quá nhiều, thì rất khó để họ có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng tự nhiên. Dù khi về nhà, đôi lúc họ ngồi lại để cảm nhận, nhưng thời gian trong ngày, họ vẫn bị lôi đi bởi những toan tính về lợi ích, về đúng-sai, về logic trong nghề. Sự giằng co và xung đột mạnh đó vẫn ngấm ngầm tạo ra những động cơ mạnh và sâu bên trong họ. Có những quãng nghỉ không làm gì sẽ khiến cho họ sớm ngộ ra rằng những gì họ đang làm chưa hẳn đã là cần thiết.
Nếu chúng ta cho rằng công việc đó là tối quan trọng thì chúng ta đang tự ràng buộc mình vào nó. Nỗi sợ bên trong sẽ mạnh hơn. Dù chúng ta có duy trì việc ngồi thiền đều đặn nhưng nó cũng chỉ trở thành một thói quen. Và thói quen chẳng qua cũng là sự dính mắc. Khi vẫn còn dính mắc vào việc tạo ra các giá trị tương đối (tức những thứ mang tính vô thường), chúng ta sẽ tự ràng buộc mình nhiều hơn vào thế giới hình tướng. Không ngẫu nhiên mà Lão Tử nói về sự ẩn dật và thong dong, không ngẫu nhiên mà Ramana Maharshi chỉ đơn giản ngồi tĩnh lặng và đi dạo quanh ngọn núi, không ngẫu nhiên mà Đức Phật hay Krishnamurti chẳng làm gì ngoài chia sẻ về sự tỉnh thức, bởi họ sống với sự tuyệt đối. Mọi thứ thuộc về hình tướng luôn dồi dào trong sự khởi sinh của vũ trụ, nhưng chúng ta cứ thấy thiếu nên cố chấp tạo thêm, rồi tự chính mình gây phiền não cho mình.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.