không làm gì
Bạn hỏi: "Khi không biết nên làm gì thì làm gì tiếp theo!" Tôi đáp: "Khi mình hoang mang thì mình hay nghĩ ra cái này cái kia để làm lắm. Như vậy chỉ càng rối thêm thôi. Tốt nhất là cứ chấp nhận hoàn cảnh hiện tại. Hoang mang thì lắng nghe và cảm nhận cái hoang mang đó của mình. Trạng thái vốn đến và đi nhưng chính sự nhận diện cái đến và đi đó mới khiến mình thực sống."
Trong cuộc sống, tôi cũng nhiều lần đối diện với tình huống không biết phải làm gì tiếp theo. Nó thường rơi vào giai đoạn khi cuộc sống của tôi có một sự thay đổi gì đó, về chỗ ở, về nghề nghiệp, về tình cảm, về gia đình,... Những lúc ấy, tôi chỉ thường cảm nhận trọn vẹn chính mình. Chính sự cảm nhận này mới khiến mình định tâm và ý thức về bản thân. Còn nếu mình cứ lăng xăng muốn làm cái này cái nọ, thì mình sẽ giống như người điên quơ quào lấy bất cứ cái gì trong khi chẳng hề biết thứ mình muốn là gì. Rồi tất cả cũng dở dang hết cả.
Chúng ta nhiều khi có cảm giác như muốn rất nhiều thứ nhưng mâu thuẫn ở chỗ lại không thực sự biết liệu mình có muốn nó hay không. Đó là cảm giác tiến thoái lưỡng nan của rất nhiều người trong đời sống hiện tại với quá nhiều sự lựa chọn. Khi đứng trước quá nhiều lựa chọn, thì nên dừng lại, tĩnh lại để không chọn cái gì nữa. Hãy tự hỏi mình có thực sự cần chọn lựa đến vậy hay không? Hãy tự hỏi mình cần điều đó cho việc gì? Và tại sao mình lại thực sự cần chạy đuổi nó?
Có những giai đoạn, tôi không thực sự kiếm tiền. Nếu tiền không phải là mối bận tâm của tôi, thì tôi sẽ không thực sự dành thời gian cho nó quá nhiều. Tôi sẽ ưu tiên những trải nghiệm khác để có những chiêm nghiệm khác. Nhưng nếu tiền bạc hay tài chính là mối bận tâm của bạn, thì bạn sẽ suy nghĩ về điều đó và hành động để gặt hái nó. Nhưng có nhiều giai đoạn, tôi không bận tâm nhiều đến tiền bạc, tôi chỉ đơn giản là sống với những gì mình đang có. Và tôi vẫn cảm thấy đủ từ bên trong. Đó cũng là một thử thách khá thú vị. Để tôi thấy mình không quá lệ thuộc vào tiền. Để tôi thấy hạnh phúc tinh thần vốn không dựa vào điều kiện ngoại cảnh. Và rốt cuộc, kể từ khi đi làm, tôi cũng chưa bao giờ phải vay mượn của bất cứ ai.
Bạn hãy cứ quan sát lại những hoang mang của mình. Để bạn thấy bạn vốn không hoang mang như bạn nghĩ đâu. Mà chính vì không lắng nghe hoang mang nên điều đó đã làm bạn hoang mang mà thôi. Lo lắng cũng vậy. Bạn không lo lắng như bạn nghĩ đâu. Mà vì không lắng nghe và cảm nhận lo lắng đó nên bạn bị cuốn theo nó, và bị đồng hóa vào nó. Khi không biết nên làm gì, là điều kiện hoàn hảo để thực tập không làm gì cả.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.