tự do & tùy cơ ứng biến

9:10:00 AM

 1/ Tự do trái ngược với phóng túng. Tự do là chánh niệm - tỉnh giác với mỗi việc mình làm để không gây hại cho mình và cho người. Điều đó có nghĩa rằng để tự do, thì một người phải có nhận thức đúng tốt. Phóng túng là chiều theo bản ngã nhưng tự bản ngã lại bao biện cho chính hành vi của nó là có cá tính và độc đáo. Thái độ phóng túng thường gây hại cho mình và cho người. Thực ra, đạo đức không phải là khuôn mẫu, mà là để mỗi người nhận thức được như thế nào là tự do thật sự. Bởi khi gây hại cho mình và cho người, thì chính cá nhân đó đang đánh mất tự do, vì bị ràng buộc vào nhận thức và hành vi bất thiện. Gieo nhân nào, ắt gặt quả tương thích với nhân đã gieo. Chẳng hạn, khi một người sáng tạo văn hóa phẩm đồi trụy, thực ra, sự độc hại đã ngấm ngầm trong thể xác và tinh thần của anh ta. Và khi văn hóa phẩm này phát tán ra ngoài, nó liền ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Như vậy, dù ban đầu, anh ta cho rằng đây là một sản phẩm thể hiện cho cá tính độc đáo của mình, nhưng nó lại xuất phát từ tâm si không phân biệt được đâu là tự do, đâu là phóng túng, đâu là tốt, đâu là xấu. Nhưng thật khó để ngăn cấm hay kiểm soát các văn hóa phẩm đồi trụy một cách triệt để, vì nhận thức lẫn hành vi của phần lớn con người ở cõi dục giới thường bị chi phối bởi bản ngã tham, sân, si (hay vô minh ái dục) rất mạnh, vì thế, tự chúng ta cần nhận thức được đâu là đúng - sai, tốt - xấu,... Biết vậy không nhằm mục đích phán xét ai, mà để tự do khỏi những hành vi - nhận thức sai lầm do cái ta ảo tưởng dẫn dắt, và không bị dẫn dắt bởi bất cứ người nào, dù họ có tầm ảnh hưởng trong xã hội.


2/ Câu hỏi: Khi quan sát lại bản thân, em vẫn còn khao khát được trải nghiệm các cảm giác. Em chả yêu được ai ngoài anh kia, mà yêu cũng chỉ là cảm giác, nó không phải của mình. Biết vậy mà em vẫn muốn yêu lần nữa. Lần trước, em kiềm chế cảm xúc và chạy trốn khỏi mối quan hệ đó. Em quan sát thấy có lúc em muốn thế này, có lúc lại chả muốn gì cả. Em nên làm gì? Chả lẽ mình cứ quan sát bản thân như vậy, mà không yêu, không lấy chồng sinh con hay sao ạ? 

Trả lời: Phản ứng của bản ngã thì chắc chắn vô thường. Lúc nó muốn thế này, lúc nó muốn thế kia. Cái muốn của bản ngã cũng là một sự thôi thúc của tâm để em dấn thân trải nghiệm, nhưng mục đích rốt ráo của trải nghiệm là để em nếm được nhị nguyên hương vị của nó: ngọt - đắng, hạnh phúc - đau khổ, vui sướng - phiền não,... Khi nào người ta thông suốt hay "chán chê" nhị nguyên hương vị này rồi thì tâm không còn thôi thúc trải nghiệm nữa. Tức thấy sắc mà không mê, thấy người khác phái mà không ham muốn... Nói điều đó không có nghĩa là họ vô cảm, mà giờ đây, họ thấy mọi thứ như thực, tức tâm không bị chi phối bởi sắc - thanh - hương - vị - xúc. Tất cả ai sống trong dòng chảy của đạo đều như vậy. Tâm trong sáng, tịch tịnh. 

Thông thường, phần lớn con người sẽ đi theo chu trình yêu đương - kết hôn - sinh con đẻ cái. Đó cũng là lẽ nghiễm nhiên của dục giới, nơi mà chúng sinh ham mê sự xúc chạm, đặc biệt là sự xúc chạm với người khác giới. Nhưng nếu chịu quan sát lại chính mình, thì yêu đương chỉ là một phản ứng của cái ta ảo tưởng ham muốn được thỏa mãn về cảm xúc, thể xác,... 

Bởi tình cảm giữa hai đối tượng bắt nguồn từ việc họ bị dính mắc vào năm uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn). Mắt thấy đối tượng (sắc) bèn sinh cảm giác thích thú (thọ), rồi ngày đêm sinh ra tưởng tượng, ảo tượng về đối tượng (tưởng), từ đó bèn có những lời nói và hành động yêu đương chăm sóc (hành), rồi đi đến đúc kết tâm tham, sân hay si (thức). Quá trình sắc, thọ, tưởng, hành, thức này khiến đối tượng tích lũy kinh nghiệm, và từ kinh nghiệm đó đã tạo thành cái ta (bản ngã). Chấp vào ngũ uẩn chính là bản ngã. Nếu một người có đủ trí tuệ, họ sẽ thấy ngũ uẩn không phải là họ, mà chỉ là một quá trình diễn biến trong các sự tương giao. Lúc này, không có một bản ngã để tạo tác hay dính mắc. 

Nhưng để thấu suốt được điều này, thì rất khó, bởi chúng sinh đã tích lũy kinh nghiệm và sự dính mắc vào 5 uẩn quá sâu dày từ nhiều đời kiếp. Vậy nên, khi nhận thức được điều này, chưa hẳn họ đã thông suốt được. Chỉ khi đi vào trải nghiệm (yêu đương), và quan sát lại chính mình trong mối quan hệ đó, họ mới thấy ra được muôn cung bậc hỷ nộ ái ố của mình là những phản ứng rất mạnh nhưng cũng rất vô thường (đến và đi). Họ phải quan sát tự nhiên và tận cùng để chỉ còn thấy chúng như thực, chứ không phải đưa cho chúng một quan niệm, một phán xét,... Bởi chỉ khi quan sát chúng như thực (thấy sao biết vậy), thì mình mới miễn nhiễm hoàn toàn khỏi chúng. 

Như vậy, mỗi người cần lắng nghe sự thôi thúc của tâm, để thấy ra hết tận cùng sự thôi thúc đó, thì mới học xong bài học. Nhưng nói điều đó không có nghĩa là chỉ ngồi đó mà thấy hết, mà phải tùy duyên bước vào trải nghiệm. Muốn yêu thì cứ thế biết muốn yêu. Gặp được người mà mình yêu thì cứ yêu để thông suốt cũng là chuyện đương nhiên. Một người tu không phải là người không yêu, không hôn nhân, không gia đình - con cái, mà là người NHẬN RA ĐƯỢC CĂN CƠ TRÌNH ĐỘ của mình để tùy cơ ứng biến. Một người vô chùa tu là đúng, khi họ không còn ham mê tài - tình - danh - lợi ở đời. Một người thấu suốt bài học yêu đương - gia đình, thì họ thấy yêu đương- kết hôn không còn cần thiết.  Và có khi, một người mải đọc kinh kệ, lễ lạy, nhiều khi lại không học ra tốt bằng một người đang mải chăm lo cho gia đình mình, để rồi thấu bài học về sự nhẫn nại, tình thương không điều kiện,... 

Như vậy, tu là sống bình thường nhưng luôn biết quan sát lại mình để điều chỉnh hành vi - nhận thức về chỗ đúng tốt. Khi đã đúng tốt hoàn toàn rồi thì tâm không còn thôi thúc đi trải nghiệm nữa.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.