nhẫn
Cuối cùng, cuộc phẫu thuật mắt cận cũng đã diễn ra. Thị lực đã tạm trở về bình thường. Vẫn có những bài học chánh niệm - tỉnh giác trong cuộc phẫu thuật dẫu ngắn nhưng cũng đủ dài cho một người bước vào phòng mổ lần đầu tiên.
Sau khi nhiễm Covid cách đây khoảng 5 tháng, một vài di chứng xuất hiện dù không nặng nhưng vẫn có thể thấy rõ, cụ thể là đôi mắt của tôi dường như yếu hơn, và đỏ. Cứ thế tự nhỏ thuốc vài tháng, mắt bình ổn. Tôi quyết định có lẽ đã đến thời điểm phẫu thuật. 12 năm đeo kính cận, là 12 năm tôi chứng kiến thế giới mờ đi rất nhiều trước mắt mình.
Quyết định mổ cận chỉ diễn ra một khoảnh khắc trong tối Chủ nhật vừa qua, và sáng thứ 2, tôi có mặt tại bệnh viện để khám. Việc khám diễn ra mất một buổi sáng. Sau khi khám xong, nộp phí mổ, tôi ra ngoài ăn cơm trưa và trở lại viện, nghỉ ở phòng rồi 13g30 xuống để chờ gọi tên đi mổ. Đó là một ngày của việc chờ đợi. Trong thời gian chờ gọi tên, tôi có mặt với chính mình, và những dòng người đa vẻ mặt khác nhau trước mắt mình. Già có, trẻ có. Sự vô thường của thân này bày ra trước mắt tôi. Bệnh tật hiện hữu ở tôi, ở người kề cạnh, ở những cô gái chàng trai nom vẻ khỏe mạnh và xinh đẹp ở đây, ở kia, ở những cụ già bước đi đã thật nặng nề và chậm chạp. Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy cái khổ xuất hiện ở khắp muôn nơi, ở trong tôi, và ở trong bạn, chúng hiện lên ở những hình thù khác nhau, cấp độ khác nhau. Nhưng sao thấy thế, lòng tôi chẳng một chút bi quan. Tôi thấy rõ sự tĩnh tại ở bên trong mình. Sau tất cả, mọi thứ chết đi, chỉ có mình nó là còn lại ở thế gian tập khởi này.
Chờ đến 2 tiếng sau, nhóm 5 người chúng tôi mới được đưa lên lầu để chuẩn bị cho việc mổ. Từ thay quần áo, đội mũ nilong chùm đầu, nhỏ thuốc gây tê,... Đó là một quá trình cũng dài và kèm theo việc chờ đợi không hề ngắn ở phía sau nữa. Tôi là người được phẫu thuật cuối cùng trong nhóm 5 người. Bước vào phòng mổ, một cảm giác lạnh nổi hết cả da gà. Tôi nằm trên một chiếc giường mà phía trên là một đèn trắng chiếu thẳng vào mặt mình, cảnh tượng y hệt những bộ phim mà tôi đã từng xem. Bác sĩ người Nga tiến đến phía tôi, nói tiếng Việt nhỏ "nhìn thẳng", và xung quanh là các bác sĩ người Việt ở cạnh để trấn an và động viên tôi. Trước ca mổ, họ đã nói rất nhiều trường hợp khác nhau để tôi chuẩn bị tâm lý như hãy thả lỏng, hít thở tự nhiên, nghe tiếng máy cũng đừng căng thẳng,... Sự nhắc nhở ấy rất có ý nghĩa, bởi khi bước vào phòng mổ, và bị đưa những thiết bị vào mắt, đó là một trải nghiệm thật sự mới mẻ và thậm chí đau đớn. Vì giác mạc dày, tôi được mổ cả 3 phương pháp, và sau cùng tôi chọn S.C Femto. Ở giường mổ đầu tiên, có một bác sĩ nam kề cạnh vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở tôi: "Thở đi cô gái, em không thở không được đâu!" Khi nghe đến đó, tôi chợt nhận ra, khi có một tác động lên thân, nó vô thức căng và hơi thở như nín lại. Điều đó tạo ra một áp lực căng thẳng lên mắt, thân, tâm. Nghe lời nhắc nhở này, tôi thả lỏng thân, hít thở tự nhiên, và giai đoạn mổ ở giường đầu tiên của tôi thành công. Qua giường hai, bác sĩ người Nga tia vào mắt tôi theo phương pháp cross linking, đó là trải nghiệm thật sự rát đau, khiến tôi có cảm giác như mắt đang bị cực hình. Nhưng những bác sĩ Việt xung quanh vẫn tiếp tục khích lệ để tôi trở về thực tại, thực hiện chỉ dẫn nhìn thẳng của bác sĩ. Chỉ khoảng gần 1 phút, thì tất cả mọi thứ xong xuôi.
Dù tâm lý vẫn vững vàng, và ca mổ không có một chút vấn đề gì nhưng cái đau, rát trên mắt trải dài ra cả đầu và thân, khiến tôi không mở được mắt, không thể đi đứng nằm ngồi được bình thường. Lúc ấy, bản thân chỉ biết chịu đựng cái đau. Mắt tôi bị kích ứng mạnh khiến nước mắt chảy dài rất nhiều, một điều đã được thông báo trước ca mổ. Khoảng 30 phút sau, tôi được bác sĩ nhỏ một giọt thuốc gì đó vào mắt khiến tôi có thể mở ra nhìn. Mọi thứ lúc ấy vẫn khá mờ. Tôi bắt một cuốc xe về nhà, và tối đó, tôi vẫn chỉ có thể còn một cách là chịu đựng cảm giác đôi mắt yếu không thể mở ra, và đầu đau như búa bổ. Dù trong cái đau, tôi vẫn cảm thấy mình có thể chịu đựng một cách tự nhiên, vì tâm không phản ứng lại cái đau trên thân. Tôi nhỏ thuốc vào mắt và bắt đầu ngủ. Mắt vẫn bị kích ứng mạnh sau mổ nên chảy ròng ngay cả khi tôi đã nằm trên giường khoảng vài tiếng. Nhưng đến sáng hôm sau, mọi thứ lại nhẹ tênh như chưa có chuyện gì xảy ra.
Không dám nói tôi đã chịu đựng nhiều nỗi đau trên thân, nhưng nhờ đó, tôi biết sức mạnh của tâm mình. Hồi còn nhỏ, mỗi lần đau, tôi chỉ biết khóc. Sau này đau, tôi chỉ biết chịu đựng và có mặt với nó. Nhưng bạn có biết cái cảm giác khi đi xuyên qua được nỗi đau, đó là một sự tĩnh tại và nhẹ tênh mà tôi đã cảm nghiệm. Như cái thử thách tĩnh là "động". Cực đoan của động kiểm tra liệu tĩnh đó là vô vi hay hữu vi. Nếu tĩnh là hữu vi (bản ngã tạo tác) thì vô thường, dù có tĩnh lắm thì cũng có lúc dao động, tĩnh là vô vi mới vững bền, không sinh không diệt. Ai chạm đến tĩnh vô vi mới biết sức mạnh thật sự của nó.
Lúc đau đớn trên thân, tôi biết cái tâm vẫn có sự dao động, nhưng khi thấy dao động, mình lại có sự thăng bằng. Sự dao động của tâm, khi thấy được, mình có thể đi xuyên qua được nó, tức không để bị nó cuốn đi. Bài học quan trọng trong nỗi đau có lẽ là Nhẫn. Không có nhẫn, không thể xuyên qua nỗi đau. Không có nhẫn, sẽ bị đắm chìm.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.