dám đối diện

11:41:00 AM
Khi học đạo, ta nhận ra rằng con đường này cũng đầy rẫy những lừa gạt và tìm cầu không kém gì "trường đời". Sự lừa gạt và trục lợi có thể thấy ngay ở ngoại cảnh "công nghiệp tâm linh", và sự tìm cầu và tự lừa mình thì ở ngay tâm người tu học. Tôi nghĩ rằng thật khó để con người sống thật với chính bản thân họ. Khi học đạo, họ luôn cố gắng đạt một điều gì đó ở trong trạng thái tinh thần, làm sao cho siêu việt. Và thế, tôi đồng cảm khi nghĩ đến hoàn cảnh Đức Phật giác ngộ, ngài thấy thật khó để giãi bày. Tôi nghĩ ngài hiểu được một điều rằng chúng sinh mà ở đây là con người rất khó để đối diện với chính họ một cách chân thật. Tập khí tham, sân và si nơi con người quá sâu dày, còn họ thì luôn vô thức chống đối hay trốn tránh chúng. 

Có một thực tế là thiền vipassana (thiền minh sát hay chánh niệm - tỉnh giác) dù được dạy nhưng nó luôn đi chệch ra khỏi nguyên lý cơ bản ban đầu, là thấy mọi thứ như chân như thật. Có thể thấy nguyên lý giác ngộ giải thoát của Đức Phật nằm trong loại thiền tuệ này, để mỗi người tự soi sáng lại chính họ, từ đó xả ly - ly tham - đoạn diệt - an tịnh - chánh trí - giác ngộ - niết bàn, đơn giản có thế, nhưng con người ít ai làm được, vì họ luôn sợ hãi khi đối diện với chính mình, hoặc khi đối diện, họ luôn trao gửi cho những gì họ thấy bên trong mình bằng một thứ lý tưởng chủ quan của họ, chứ không phải như chân như thật. Và thế, con người hiếm khi nào có thể sống một cách trọn vẹn với chính mình, họ hiếm khi nào có thể nhìn thẳng vào chính mình, và đón nhận tất cả những gì họ thấy. 

Cũng vì con người luôn muốn đạt trạng thái an lạc, và ghét bỏ trạng thái khó chịu, nên thiền vipassana luôn bị biến tướng ở ngay cả người dạy nó và người học nó. Cái chính yếu của thiền vipassana chính là thấy ra. Cái thấy quan trọng nhất vì nó giúp ta không bi đắm chìm hay buông xuôi theo tạo tác của bản ngã tham, sân, si. Nhưng con người không thấy nổi mình vì họ luôn bị cái tôi lì lợm, gian manh, xảo trá kia lừa gạt. Bản ngã luôn mang đến cho họ một định nghĩa thật "đạo đức" để họ nuông chiều theo hành vi và nhận thức vô minh, trong khi họ không biết rằng một lần nữa, họ đã bị lừa. Vì tập khí vô minh kia quá sâu dày nên chẳng ai có thể thấy mình một cách trọn vẹn được, hiếm ai có thể sống thiền vipassana, mà họ luôn ưa thích thiền định. Vì trong thiền định, con người được hưởng "hiện tại lạc trú", mang đến cho họ cảm giác vô cùng thanh thản, an lạc, và có khi còn thấy được những gì là cao siêu huyền diệu - thứ thỏa mãn bản ngã của họ. 

Có lần, trong một buổi họp báo nọ, tôi thấy có một vài người phụ nữ rất xinh đẹp, mặc đồ nhà chùa, có đến phát cho chúng tôi một tờ rơi giới thiệu khóa học của họ, mà tôi nhớ chắc chắn là khóa họa đó dạy về thiền định. Khóa học ghi ra những gì mà học viên có thể đạt được, nào là an lạc thân tâm, nào là hạnh phúc viên mãn. Tôi nghĩ rằng nó đánh vào cái tâm tham háu đói và tâm si dễ lung lạc và mê tín của con người. Ai ai trên cuộc đời này mà không mong cầu hạnh phúc, ai ai mà không khát khao sự giàu có mà đặc biệt là giàu có về mặt tinh thần. Và thế, trong tu học, hầu hết con người đều muốn đạt được. Thật hiếm ai dám đói diện với cuộc sống, dám đối diện với chính mình, mà thấy ra được cái tôi của họ mong cầu được thỏa mãn ra sao. 

Bản ngã làm sao thích cái việc bị thấy ra sai lầm, trong khi thiền vipassana chính là thấy ra sai lầm càng nhiều càng tốt. Vì một khi bạn sống trọn vẹn với chính mình, bạn càng thấy ra nhiều những tập khí đã huân tập vô cùng sâu dày. Càng soi sáng, tập khí càng lộ ra. Nhưng con người lại luôn trốn tránh điều đó. Họ luôn gán cho những gì khó chịu là ghê tởm, là xấu xa, họ chán ghét chúng, vậy thì khi thiền vipassana giúp họ nhận ra sự xấu xa bên trong mình, nhiều người không chấp nhận được điều đó. Họ trốn tránh, họ quay đi, họ lại bắt đầu trở về sự tìm cầu thứ đạo đức do bản ngã tô vẽ. Bạn thấy không, con người luôn tự đánh lừa mình, nhưng họ lại không hề biết điều đó. Thật hài hước biết bao nhiêu! Tại sao chúng ta cho rằng những gì mà chúng ta khó chịu là xấu xa. Đau khổ, ghen tuông, giận hờn, tham lam, khinh khét,... là xấu xa hay sao? Vậy thì hạnh phúc, an lạc, mát mẻ,... là tốt đẹp hoàn toàn chăng, khi mà nó lại là tác nhân khiến người ta đắm chìm và đánh mất chính mình? Ôi, hai cặp nhị nguyên đối kháng này luôn là vòng đấu tranh luẩn quẩn của cái tôi, cuộc tranh đấu để chọn hạnh phúc xa rời đau khổ biết bao giờ mới ngừng nếu con người không nhận ra được bản chất của chúng là mong manh vô thường biết mấy. 

Sự tu học vô cùng khiêm tốn nhưng chân thật sẽ khiến ta sớm nhận ra ta quả thật chẳng là gì cả, và đôi khi thật buồn cười với chính mình, mà đúng hơn là trước những tập khí sâu dày không chỉ được thể hiện ở đời thực mà còn ở những giấc mơ. Nhưng có điều ta sẽ không bao giờ bị lừa gạt mà trao cho chúng những quan niệm hay lý tưởng chủ quan nữa. Ta nhất quyết đối diện với những "kẻ thù" bên trong mình, bằng một thái độ can đảm, soi sáng, vì đó mới là cốt lõi của hành trình về đạo.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.