càng tu là càng thấy ra sai lầm
Càng tu là càng thấy ra nhiều sai lầm, tội lỗi của mình. Không phải cố tình tạo ra sai lầm, hay tội lỗi để thấy, mà giờ đây, vì có chánh niệm - tỉnh giác với mỗi hành vi và nhận thức của mình nên càng lúc, tánh biết của ta càng phát huy để thấy ra tham, sân và si, điều mà trước đây, khi sống một cách vô thức hay nuông chiều theo bản ngã, ta đã không thể thấy một cách trong sáng.
Có một người mới đặt một câu hỏi như thế này, trước đây, khi chưa biết đến tu học, chị hành xử hoàn toàn theo cảm tính. Chồng sai hay con sai thì nổi giận đùng đùng, không kiểm soát được bực bội bên trong, khiến cho bầu không khí trong gia đình lúc nào cũng nặng nề tiêu cực. Sau khi bén duyên tu học, chị phát hiện thấy không những bên trong chị có sân hận, mà còn có rất nhiều tính xấu khác như yêu thương chồng con có điều kiện, tham công tiếc việc, hay tị nạnh với chồng trong việc nhà,... Ban đầu chị cảm thấy hốt hoảng, không hiểu tại sao càng tu mà lại càng thấy mình xấu tính như thế này. Vị thầy nghe thế, bật cười bảo: "Như thế mới gọi là tu! Tu là càng thấy ra nhiều lỗi để mà điều chỉnh hành vi nhận thức. Không có lỗi thì lấy gì mà tu!?"
Nhiều người tu học hiểu rất sai lầm rằng tu là phải càng ngày càng tốt lên. Nhưng tu là thấy ra sự thật, chứ không phải tốt lên, vì sự tốt lên ấy vẫn là quan niệm vi tế của bản ngã ảo tưởng. Tánh biết trong mỗi người vốn dĩ đã có sẵn và hoàn toàn sáng suốt. Nó chẳng mất đi đâu, chỉ là vì những hành vi lẫn nhận thức sai lầm (như lớp sương mù) che mờ. Vì thế, tu là càng ngày càng phát hiện ra sai lầm, để lớp "sương mù" càng ngày càng đoạn giảm, để tánh biết được bộc lộ một cách trọn vẹn.
Như người phụ nữ trên, hồi xưa, chị luôn nghĩ rằng mình làm lụng vất vả, chu toàn mọi thứ là vì thương chồng con. Hễ chồng con có làm việc gì trái với ý chị, là chị nổi sân lên. Chị vẫn cho rằng việc nổi sân ấy là bình thường trong yêu thương. Nhưng khi tu học, chị nhận ra, tình thương là không có sân hận. Chị chợt nghĩ hồi xưa chị từng cho rằng tình yêu mà chị dành cho con là ghê gớm và to lớn lắm. Nhưng hễ đứa con làm việc gì sai, thì chị lại tức giận. Như vậy, đó vẫn chỉ là tình thương có điều kiện, mà chị là người muốn làm chủ điều kiện này. Như vậy, tu là thấy ra các sai lầm để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, chứ đừng cố làm mọi thứ tốt lên để che mờ các khuyết điểm đang tồn đọng trong mình.
Với nhiều người tu học, sâu thẳm trong họ vẫn là e ngại việc đối diện với thử thách. Họ chỉ muốn mình hiền thiện với tất cả mọi người, và ở trong hoàn cảnh thuận lợi để có thể phát huy sự hiền thiện đó, nhưng đó vẫn vốn dĩ là lý tưởng của bản ngã. Còn khi ta tùy duyên, ta sẽ biết tâm của mình đang ra sao, có buông lung phóng dật hay là vẫn từ tốn đón nhận hoàn cảnh mà có thái độ thuận pháp.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.