"dễ mới đúng"

2:12:00 PM
Một người chị thân thiết của tôi, là một thi sĩ, rồi chuyển qua vẽ tranh. Hôm đó, chúng tôi ngồi trong một bữa ăn gồm nhiều người, một lúc sau, chị chủ động ngồi sát kế bên tôi. Và cả hai đều không ngờ rằng có thể trò chuyện thật sâu sắc đến như vậy, đặc biệt là về vấn đề tu học. 

Trước đó, chị nghĩ tôi là một cô bé nghiêm túc, khô khan, khó gần; còn tôi nghĩ rằng hẳn chị là người không quan tâm đến Phật giáo nguyên thủy bởi một vẻ bề ngoài hết sức cá tính hiện đại mà như chị nói là "hớn hở" và thường, chị cũng chia sẻ không gì ngoài đồ ăn, chuyện hài hước,... trên mạng xã hội. Một thực tế trong đời sống là con người ta vô thức kết luận vội một ai đó chỉ qua ánh nhìn đầu tiên, thậm chí là một vài cuộc gặp đơn sơ. Ấy thế mà, chúng tôi đã nói rất nhiều về sự sáng tạo và tu học, "bỏ mặc" những người còn lại trên bàn ăn....

Chị bảo tôi: "Về sau này chị phát hiện 'dễ mới đúng, càng dễ càng đúng'. Như việc vẽ của chị, hãy việc viết của em, một lúc nào đó nó bộc phát và được phát huy một cách mạnh mẽ mà lý trí không thể nào lý giải nổi. Dễ ở đây không phải là công việc vẽ dễ, hay viết dễ, mà là dễ vì thuận theo trực giác hay thiên hướng bên trong mình mà đi, thì khi đó chúng ta chẳng còn phải đấu tranh dằn vặt chi cho mệt mỏi." Tôi bất ngờ trước chia sẻ của chị, bởi chị nhận ra nó thông qua thực sống của bản thân. Còn tôi biết triết lý ấy trước từ Trang Tử: "Dễ mới đúng. Bắt đầu đúng và bạn sẽ thấy dễ. Càng ngày càng dễ, và bạn sẽ đúng. Cách đúng để trở nên dễ dàng là quên đi cách đúng. Và quên rằng sống dễ dàng là dễ." Đó chẳng phải là sống vô vi như Lão Tử từng dạy hay tùy duyên thuận pháp như nhà Phật hay sao. 

Một hôm ghé nhà sách, tôi đọc được câu này của K. Krishnamurti: "Một trong số những việc khó khăn nhất trên thế gian là quan sát nhìn nhận một thứ gì đó một cách đơn giản và mộc mạc. Vì tâm hồn chúng ta luôn phức tạp, chúng ta đã đánh mất khả năng đơn giản của mình." Thực tế, chính tư tưởng phức tạp của con người mới mang đến rất nhiều hệ thống giáo phái khác nhau trong đạo Phật về sau này, hay các nền triết học khác nhau. Sự đơn khôi tinh giản của chân lý đã được tư tưởng bày vẽ lên thành điều gì trông có vẻ rất cao siêu, và thậm chí sự bày vẽ ấy đã rời hẳn xa chân lý, đã không còn có thể đóng vai trò là "ngón tay chỉ trăng" nữa. 

Tôi thường nghĩ trong đời sống hàng ngày của bản thân, quả thực không có gì là thật đặc biệt. Mọi thứ trôi qua lặng lẽ, tự nhiên, và tôi cảm thấy thật an lành với điều đó. Nếu có trục trặc, thì trục trặc đó thật sự không nằm ở đời sống, mà chính nằm ở thái độ của tôi còn chưa thông suốt với vấn đề ngoại cảnh, hay bên trong chính mình. Bởi vậy, khi gặp sự phức tạp ở bên trong, tôi nhận ra càng phân tích mổ xẻ, càng phức tạp hơn, thậm chí càng khiến mình dễ mất thăng bằng, rồi rơi vào phiền muộn đau khổ. 

Sự thông suốt của mỗi tâm hồn thực tế đã sẵn có, chỉ là vì những tư tưởng khởi sinh nhào lộn ở bề mặt khiến cho tâm hồn bị trục trặc. Nhưng chỉ cần ngồi lại quan sát, không để tư tưởng chen ngang hiện tượng mất trật tự đó, thì kiểu gì, bạn sớm muộn cũng cảm nhận thấy có một sự thông suốt thật sâu đã ở đó sẵn chờ bạn. Nó không bao giờ mất đi đâu. Chẳng qua là sự phức tạp trong tư tưởng của bạn đã khiến cho con đường đến sự thông suốt dường như xa xôi và quẩn quanh mà thôi.

Trong sự tu học cũng thế, vốn dĩ chỉ nằm ở việc quan sát mình, để không buông lung phóng dật theo bản ngã, nhưng con người không nghĩ rằng nó "dễ" như thế. Và rồi, họ gán cho thiền học hay tu học là một điều gì đó thật sự xa xôi. Và họ tiếp tục phân tích mổ xẻ thêm. Họ yêu thích những nhà tư tưởng, những triết gia,... cũng vì tâm hồn họ đang hướng đến sự phức tạp, và tìm cầu sự phức tạp. Cũng có thể một phần đến từ việc mong muốn sở tri sở đắc. Nhưng vốn dĩ, các tư tưởng trên cuộc đời này, trông có vẻ thật ghê gớm, thật sâu sắc, nhưng nếu chúng không bắt nguồn nền tảng ngộ chân lý, thì chắc chắn đó chỉ là bánh vẽ của bản ngã ảo tưởng mà thôi. Mà vế sau thì dường như nhiều nhan nhản. 
 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.