buông về mặt lý trí tức vẫn còn chấp ngã

2:34:00 PM
Buông bỏ đúng tức là đứng giữa những mặt nhị nguyên đối nghịch nhưng tâm vẫn không cảm thấy bị mâu thuẫn hay dính mắc. Lúc này, tâm không sinh lựa chọn cái này, bỏ cái kia. Vì với một tâm buông bỏ thì sao cũng được, không còn chọn lựa của lý trí nữa. Ngược lại, buông bỏ về mặt lý trí khiến một người cứ tưởng rằng họ đã buông nhưng thực chất bên trong nội tâm vẫn đắn đo, vẫn lăn tăn, vì cái buông về mặt lý trí tức vẫn đang là chọn lựa một mặt, bỏ một mặt nào đó mà thôi. Tức vẫn mắc kẹt trong nhị nguyên. 

Một học trò mới thưa với vị thầy như thế này, có lúc anh ta cảm thấy bên trong mình khởi sinh tâm từ bi, yêu quý nhân loại, biết sống là tạm, biết buông bỏ. Nhưng có lúc, tâm lại rất ham hố, muốn làm đẹp cho đời, muốn cống hiến về mặt vật chất cho đời, cho đạo. Thế nên anh ta mới trôi lăn trong vòng lăn lộn về kinh doanh, mà ít được hưởng sự tu học trong tĩnh lặng. Có lúc, anh ta chỉ muốn buông tất cả công việc để trở về sự tĩnh tại, nhưng lại lăn tăn nếu không làm đẹp cho đời thì đạo có nghĩa lý gì nữa. 

Với chia sẻ này, cả hai hướng đi, cả hai lựa chọn đều thể hiện khuynh hướng đối nghịch của bản ngã lý trí, chứ không phải ngộ đạo. Lý trí bao giờ cũng phân vân, nghi hoặc chọn lựa giữa tĩnh và động, giữa tư lợi và lợi tha, giữa đạo và đời,... Khi nghiêng về bên nào thì bản ngã lý trí luôn tìm cách để bênh vực cho bên đó, nhưng rồi một thời gian, kiểu gì nó cũng sẽ tự mâu thuẫn trong chính lựa chọn mà nó từng quyết định. Giác ngộ là thấy ra được cả mặt lợi và mặt hại, mặt được và mặt mất, để không dính mắc vào lựa chọn nào, vì mỗi chọn lựa đều có tính nhị nguyên mà thôi. Quan trọng, thái độ của ta trước tính nhị nguyên của vấn đề đó là không để bị mắc kẹt vào bên nào. Ta gọi đó là bất nhị.

Có lẽ một trong những vấn đề mà người tu học thường gặp phải là luôn cố gắng lựa chọn một cuộc sống có lợi cho họ. Họ vẫn nghĩ vấn đề nằm ở hoàn cảnh chứ không phải ở tâm mình. Giống như một người học Phật thì sợ rằng việc yêu đương hay hôn nhân sẽ làm cản trở con đường giác ngộ - giải thoát của họ, nhưng họ lại không biết thứ cản trở họ chính là cái bản ngã đang cho rằng hôn nhân hay tình yêu là chướng ngại. Vậy nên, trên đời, không có lựa chọn nào là gây cản trở hết, mà cái tôi mới là thứ thêu dệt lên những cản trở. 

Vậy, điều quan trọng là hãy biết quay về chính mình, để nhìn ra rằng buông bỏ một hoàn cảnh này, để chọn hoàn cảnh kia không phải là buông bỏ thực sự, mà thái độ không dính mắc vào hoàn cảnh nào mới là buông. Bạn kinh doanh thì cứ kinh doanh, miễn là không hại mình hại người, có thái độ sáng suốt trong việc kinh doanh ấy thì vẫn đang là ngộ đạo. Bạn đang ở trong các mối quan hệ gia đình nhưng nếu biết chánh niệm - tỉnh giác để không bị vướng mắc trong ràng buộc tình cảm thì đó vẫn là diệt đế - đạo đế. 

No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.