Đây là nhà thờ mà người viết thường ghé vào mỗi sáng và chiều, để đi dạo, viết lách, dạy học, và thưởng ngoạn. Khuôn viên nhà thờ nổi bật với nhiều cây cảnh, cây xanh vài chục tuổi vạm vỡ. Rất hiếm khi người viết dự lễ nhưng đã có những khoảng thời gian, ta đã ngồi đây thật lâu, ngắm nhìn thiên nhiên, chim chóc hót véo von, tượng Chúa giang tay... và cứ thế, hơn bao giờ hết, có những khoảng lặng tâm hồn cứ thế kéo dài bất tận.
Chắc hẳn đã có những thời khắc trong cuộc sống, bạn thực sự bất lực với những diễn biến trong tâm hồn mình: suy nghĩ, xúc cảm, thân thể nặng trĩu... Suy nghĩ bạn phóng chiếu đến một lý tưởng của sự giải phóng, giải thoát hay tự do, nhưng càng ước muốn, bạn càng thấy như mình đã chịu đựng hết nổi. Không có gì khủng khiếp như một tâm trí đã đi đến cùng cơn điên và thác loạn của nó. Nhưng sau tất cả, không có gì quyền năng bằng thái độ đón nhận, được ẩn dụ qua biểu tượng Chúa giang tay. Ta gọi đó là quy hàng Thượng Đế (surrender to God).
Những tạo tác của tâm trí luôn để lại những di chứng hay hậu quả tương đương với động cơ và quá trình thúc đẩy của tạo tác đó. Di chứng càng bất ổn, rối loạn, chứng tỏ sự tư duy và tạo tác trước đó không đúng đắn. Không có cách nào lý tưởng hơn, ngoài việc hoàn toàn đón nhận tình trạng hiện tại đó. Trong cuốn sách "Đối thoại với Thượng Đế" (cuốn 1), người viết nhớ một câu nói, đại ý là, trước tất cả mọi thứ, hãy đón nhận tất cả, và chọn thái độ yêu thương với tất cả. Đó có vẻ là một bài toán khó vì tư duy của chúng ta đã được huấn luyện theo một cách hoàn toàn ngược lại: phân chia, chọn cái này và không muốn chọn điều ngược lại. Chính tư duy đó tạo ra đau khổ.
Khi con người ở trong một tình trạng nào đó mà họ cho là xấu tệ, tâm trí thường không bao giờ muốn họ đối diện với nó, mà vi tế dẫn dắt họ đến một viễn cảnh tương lai tốt đẹp hơn, nơi họ là một con người nào đó khác và họ sẽ làm tốt hơn có thể ở con người đó; hoặc nghĩ về quá khứ, những tội lỗi, sai lầm, và không ngừng dằn vặt bản thân. Khi tâm trí không cân bằng, khi nó ảo tưởng, bạn hoàn toàn quên mất tất cả mọi nguyên lý sự sống. Bởi sau tất cả mọi điên cuồng của tâm trí, điều cốt lõi nhất là định tâm. Đừng để suy nghĩ dẫn dắt bạn bám dính thêm vào đời sống thế gian, với công việc, lý tưởng, kế hoạch nào đó... Bằng mọi cách, bạn phải học cách chú tâm, phải tập trung hoàn toàn vào bên trong. Bạn phải tập quên đi quá khứ và mình đã từng là ai đó, vì toàn bộ chúng chỉ là suy nghĩ và ảo tưởng dãn nhán không thực có.
Hãy như một người bắn cung luôn rõ biết mục tiêu, và hướng toàn bộ sự chú ý và sức mạnh vào đó. Cũng vậy, một người quay về bên trong, rõ biết tâm tĩnh lặng mới là mục tiêu và là bản chất của mình, và thế bất cứ suy nghĩ nào dấy lên với hậu quả khiến cho bạn thêm loay hoay, mơ hồ, hoài nghi, thì bạn dứt khoát không chọn chúng để huấn luyện tâm mình. Hãy chọn suy nghĩ khiến cho bạn luôn tập trung vào bên trong, tin tưởng hoàn toàn vào chính mình, khiến cho bạn cảm thấy vẻ đẹp cao thượng, trí tuệ và tử tế, và thấm đẫm nó bằng cả tâm hồn, hành vi và lời nói.
Không phải suy nghĩ là thứ nhấn chìm chúng ta, mà cái cách ta cho phép chúng được là như thế. Hậu quả của mọi sự bất cân bằng không chỉ đến từ việc thiếu hiểu biết; mà còn là sự lười biếng trong việc huấn luyện tâm mình đi đúng hướng. Sự thông minh là cần thiết; nhưng sự điều độ và kiên trì còn cần thiết hơn cả.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.