tri kỷ là người không cần gì ở ta

10:10:00 AM
Có hai người nọ, gặp nhau trên một chuyến hành hương tới Ai Cập. Suốt chuyến đi, họ chia sẻ với nhau một số điều, nhưng phần lớn là sự thinh lặng. Khi cả hai cùng đặt chân đến Ai Cập, một người trong đó nói: "Tôi quý bạn, rất quý bạn, và tôi không cần gì ở bạn cả." Và người kia bỗng nhận ra đây quả thực là tri âm tri kỷ của mình. 

Tri âm là người dạy ta về tự do và can đảm

Xuyên suốt cuộc đời, hầu hết chúng ta đều mong mỏi tìm thấy cho mình một người bạn, một tri âm để có thể lắng nghe và chia sẻ cùng trong bao đa đoan. Thi thoảng, chúng ta ngỡ như mình đã tìm thấy một người như vậy. Chúng ta sớt chia với họ đủ điều, nhưng rồi, vì hoàn cảnh và lòng người thay đổi, mà bạn và họ không còn có thể ngồi lại bên nhau nữa, thậm chí còn không muốn gặp lại nhau. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện về tình bạn thắm thiết đi đến đổ vỡ. Khi gặp lại, cả hai cũng tỏ ra hết sức lạnh nhạt và tránh nói về nhau. 

Bởi trước đó, họ đã đến với nhau với một lý tưởng nhất định. Chẳng hạn, bạn cho rằng tri âm phải là một người đồng điệu với bạn về quan điểm sống, sở thích, tính cách đồng thời có thể lắng nghe và thấu hiểu cho bạn. Nhưng bạn lại không nhận ra rằng về bản chất, bạn đến với người kia bằng mong cầu được thỏa mãn chính mình. Và thế, khi nhân sinh quan của người kia hay của bạn thay đổi, thì tự trong bạn không còn có thể chấp nhận được họ nữa. Bạn tự cô lập mình trong mối quan hệ, dần thấy phiền hà, mệt mỏi và muốn xa lánh con người này. 

Nhưng một tri âm là người không đòi hỏi điều gì ở bạn cả, ngoài việc đến với bạn bằng lòng chân thành và không mảy may toan tính. Giống như người bạn trong chuyến hành hương tới Ai Cập, họ không cần điều gì ở người kia. Họ không đến với ai đó bằng mong muốn được thỏa mãn hay được nhận một điều gì. 

Tình bạn đổ vỡ vì mong muốn riêng tư của cả hai bên về nửa kia. Tình bạn cũng đổ vỡ vì sự ràng buộc về mặt tinh thần, sự áp đặt về mặt quan điểm sống, và tham vọng tìm thấy một người bạn tốt hơn. Nhưng là tri kỷ của nhau tức là đón nhận con người kia một cách hoàn toàn. Họ chấp nhận sự khác biệt. Họ bao dung nhau vì biết mỗi người đều đang trong quá trình trải nghiệm để điều chỉnh những lầm lỡ của mình. 

Và khi rời xa nhau về mặt vật lý, họ không giận hờn, oán trách vì họ hiểu tình bạn là để cho đối phương có sự tự do mà họ mong muốn. Khi khác nhau về mặt quan điểm sống, họ lắng nghe nhau nhưng không cố ý sửa đổi nhau. Họ âm thầm lặng lẽ sống để đối phương thấy ra bài học cuộc đời nằm ở tự do và can đảm trải nghiệm. 

Chân thành và không ràng buộc

Chúng ta thường đến với một người nào đó bằng sự yêu-ghét, quý mến-ghẻ lạnh... Và với một người bạn, ta cũng thường đến với họ bằng sự trân quý. Đó có lẽ là một thái độ tốt đẹp, nhưng bạn có thấy, về sau, họ thường kết thúc tình bạn ấy với sự ghẻ lạnh? Những cặp nhị nguyên dường như chẳng bao giờ tách rời được nhau!

Nhưng khi ta đến với một người bằng sự chân thành và tâm không ràng buộc, ta dễ để cho sự trong trẻo bên trong dẫn đường. Ta không đòi hỏi ở nửa kia, và cũng không ép buộc bản thân phải theo một khuôn mẫu ứng xử nào khi ở cạnh họ, hay khi xa họ. 

Tôi nghĩ bạn không cần cố giữ một mối quan hệ, vì khi càng giữ, bạn và đối phương sẽ càng cảm thấy nghẹt thở. Ngày nay, con người thường giữ mối quan hệ bằng cách nhắn tin, gọi điện thường xuyên... Đó có thể cũng là một cách hay nhưng rồi bạn sẽ thấy không phải lúc nào mình cũng có thể chu toàn theo kiểu đó, thậm chí đối phương cũng có khi thấy phiền và mệt mỏi. Bạn chỉ cần đến với họ bằng sự chân thành, lặng lẽ. Mà ta hay gọi bằng hai từ "tùy duyên", nghĩa là họ xuất hiện thì mình hãy đón nhận, còn không, thì hãy sống thật trọn vẹn với những gì đang diễn ra mỗi ngày, xoay quanh cuộc sống của mình. 

Hãy là tri âm của chính mình trước tiên

Chúng ta thường đi tìm kiếm một người bạn về mặt hình tướng, nhưng lại ít khi chịu làm bạn với chính mình. Vì một người bạn bên ngoài khiến chúng ta quên đi những phiền não bên trong, còn khi đối diện với chính mình, ta thấy mới thật chán chường và thậm chí không thể chịu đựng nổi. 

Trong một bộ phim Việt nào đó mà tôi từng xem, người bạn kia mới nói như thế này: "Tao chịu đựng hết nổi rồi. Tao không phải là cái sọt rác để lúc buồn, lúc khổ mày đến xả vào!" Quả là một chia sẻ thẳng thắn, nói ra trong lúc giận dữ, nhưng cũng thật đúng phải không? Chúng ta thường tìm một người bạn để chia sẻ những khó nhọc của ta, nhưng lại không nhận ra rằng ta đang vô tình mang đến những nỗi phiền hà cho họ, và ta không nhận ra họ cũng có những mệt nhọc và khó khăn riêng. Nhưng nếu ta chịu làm bạn với chính mình, lắng nghe và cảm nhận những phiền não bên trong mình, thì có lẽ, ta sẽ không đến với bất cứ người nào bằng sự vị kỷ đó của bản thân. 

Tôi nghĩ dành thời gian một mình, âm thầm lắng nghe những cung bậc bên trong mình thật sự quan trọng. Khi ta kiên nhẫn với bản thân, ta sẽ học cách kiên nhẫn và đồng cảm cho những não nề của người khác. Và điều này cũng góp phần không mang gánh nặng riêng tư vào mối quan hệ tình bạn. 

Khi học làm bạn với chính mình, ta cũng thôi bớt những mong cầu, những ý nghĩ nương tựa người khác. Ta chợt ngộ chỉ khi lòng ta đủ can đảm và vững chãi, thì ta mới có thể mang đến sự lành mạnh cho người khác, hay cho chính người bạn tri kỷ của mình. 

Bài đã đăng lên L'O





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.