hãy phục vụ vô ngã vị tha nhiều hơn
Vừa rồi tôi có lên Chùa Bửu Long
với hy vọng có cơ duyên gặp gỡ sư ông Viên Minh, người đã khai thị cho tôi thấy
ra nhiều sự thật quan trọng trong cuộc sống để bắt đầu một cuộc đời mới đầy đạo
vị. Ngoài may mắn được đảnh lễ thầy, tôi còn có cơ duyên gặp một họa sĩ mà bản
thân từng phỏng vấn, hiện đang làm công quả tại chùa, và anh đã làm như vậy được
2 năm. Anh kể: "Muốn xuất gia tại chùa Bửu Long đòi hỏi mỗi người phải làm
công quả trong vòng 2 năm như một thử thách. Có nhiều công việc thực sự nặng nhọc
như làm thợ xây, vì thế, không ít người trải nghiệm được một vài tuần thì bỏ
đi. Thậm chí có một số vị đã xuất gia tại một số chùa Bắc tông muốn chuyển vào
chùa thầy tu vẫn phải trải qua thử thách như bao người bình thường khác. Vẫn có
những vị thầy không chịu được việc bị sai khiến, 'bị' phải phục vụ, bị mắng nhiếc,...
nên vì tự ái mà bỏ đi. 2 năm không phải là quãng thời gian quá dài, cũng không
hề là ngắn, nhưng có lẽ đủ để kiểm tra được khả năng trở về vô ngã vị tha ở mỗi
người.
Trước đây, có một người bạn bảo
tôi: "Thật khó chấp nhận việc quỳ lạy một vị tăng rồi cho rằng đó là biểu
hiện của sự cung kính. Tại sao làm sư mà lại để cho học trò phải lạy dưới chân
mình như thế!" Nếu lấy lý trí ra mà phân bua, và dưới cái góc nhìn "ứng
xử bình đẳng đôi bên", hay cái tôi của bạn có cơ hội tìm thấy đồng minh,
thì bạn sẽ dễ mà đồng ý với những gì anh ta nói. Nhưng, đảnh lễ không phải là để
hạ thấp chính mình, hay để lấy lòng ''bề trên" mà là để thấy rõ tâm mình
qua hành động ấy. Qua một việc đảnh lễ vậy thôi, mà có người tâm mát mẻ thảnh
thơi, tự thấy rằng đó là một hành động xuất phát từ lòng tôn kính tự nhiên.
Nhưng có người lại làm nó một cách bất đắc dĩ, và tâm anh ta rơi vào ngã mạn.
Ngã mạn sinh bất bình, nóng giận, và đấu tranh. Cũng có người chỉ làm cho
có lệ, hay theo đám đông, vì thế mà chẳng ý thức được thân tâm mình.
Trước đây, tôi thường nghĩ các
nghi lễ quỳ lạy là rườm rà, nhưng giờ đây, tôi không còn cho như vậy nữa. Sự quỳ
lạy là để con người đoạn giảm tâm ngã mạn, một rào cản rất lớn ngăn ta trở về
vô ngã vị tha. Và tương tự cũng vậy, sự phục vụ trong đời sống là để đoạn giảm
cái tôi - thứ luôn tự 'tôn vinh' nó hơn người, và tự tưởng tượng ra quan điểm
'không thể hạ thấp chính mình'. Nhưng vốn dĩ, sự chịu đựng trong tâm thế sẵn
sàng, và phục vụ trong sự trong sáng, lại là điều tốt đẹp để người ta thấy ra rằng
tâm mình là vô biên giới. Chỉ có cái tôi tự tạo ra cho chính mỗi người những
vùng biên riêng, để rồi tự dằn vặt, tự khổ đau.
Ngày đến Quy Nhơn, tôi gặp hai vợ
chồng trẻ nọ, họ làm công việc quản lý những ngôi tháp Chăm tại đây. Cả hai đều
cùng tu học, phong thái rất nhẹ nhàng và khiêm nhường. Khi ghé thăm một số di
tích tôn giáo như đạo Cao Đài, tháp Chăm,... họ đều quỳ lạy với một thái độ tôn
kính. Người chồng nói: "Không biết Trang có tìm hiểu về lịch sử người Chăm
tại Bình Định hay ở Việt Nam không. Nếu tìm hiểu thì mình sẽ thấy việc đến đây
ngoài ngắm cảnh, kiến trúc, hưởng nguồn năng lượng núi - biển trong lành thanh
sạch... cũng là lúc để mình sám hối, hồi hướng cho những người đã khuất. Tâm
quán tưởng thật quan trọng, và có ý nghĩa để ta có thể hàn gắn những nỗi đau, tỏ
bày sự xót thương vị tha trước những cảnh khổ của bao tha nhân xưa cũ." Điều
anh nói, ngay lúc này khi nghĩ lại, thật lòng tôi rất xúc động. Có lẽ, nó tạo
ra một dấu ấn ý nghĩa với tôi, vì việc đi của bản thân từ trước đến nay dường
như chưa bao giờ thực sự chạm đến thái độ đó. Và tự trong mình cũng thấy con
người có một bản năng tự cho ý thích cá nhân là trên hết, cho đến khi mở lòng
ra mà đón nhận những quan điểm khác, tôi thấy mình học được ở tha nhân rất nhiều
điều. Và sự cúi đầu càng lúc càng tự nhiên, chứ không phải là hành động một
đàng mà tâm lại một nẻo.
****
ReplyDelete