"tránh né chuyện cần tránh né là đạo lý muôn đời"

1:43:00 PM
Đối diện với thực tại vốn là cốt lõi của tu học. Thế nhưng, chúng ta chẳng phải là tảng đá để cứ ngồi đó hứng chịu những điều vô ích hay độc hại/nguy hiểm. 

Có một người chia sẻ chuyện riêng tư như thế này. Anh ta nhận thấy cuộc sống là bất toàn, trong bất cứ mối quan hệ nào từ cha mẹ với con cái, vợ chồng, bạn bè,... không bao giờ có thể 100% theo ý mình. Thấy vậy nên khi trải nghiệm cảnh khổ, anh ta cũng mỉm cười. Nhưng hiện tại, anh đang bị vướng. Khi nghe ai đó than van, kể khổ, lần 1, lần 2, lần 3, anh ta bình tĩnh lắng nghe, cảm thông và động viên. Nhưng ngày nào cũng than, 10 ngày như một, thì anh bị mất năng lượng, không còn đủ sức để lắng nghe, và cảm thấy không nên tiếp tục những cuộc trò chuyện như vậy nữa. Vì tiếp tục cũng không có lợi cho mình và cho người. Anh ta thắc mắc liệu bản thân có đang làm sai với ý từ bi hỷ xả không. 

Thực ra, chẳng mấy ai nghe hoài một chuyện từ ngày này qua ngày khác mà không chán, mà không bị ảnh hưởng năng lượng tiêu cực của họ. Con người chứ không phải tảng đá mà cứ ngồi yên ngoan ngoãn hứng chịu. Nếu thấy vô ích thì vẫn có thể tránh xa. Miễn là thái độ vẫn đúng tốt thì chẳng phải đây là quyết định hoàn hảo hay sao? Cũng là để họ không còn nương tựa vào mình, vô thức xem mình là "sọt rác" hay "bia đỡ đạn". Và bản thân cũng có cơ hội dành thời gian vào những việc có ích cho mình và cho người. 

Thường thường, trong cuộc sống, ta thường tránh né khi sợ hãi. Nhưng cũng có những sự tránh né là tốt đẹp (nỗi sợ đúng đắn). Chẳng hạn, thấy ma túy độc hại, nên tránh né không dùng, thấy rượu là chất kích thích gây ảnh hưởng tinh thần nên tránh không lạm dụng, thấy rắn nên tránh không bước tới gần, thấy cầu bắc qua sông có gì bất ổn, trực giác mách bảo tránh không đi qua,... Như vậy, đâu phải tránh né nào cũng xấu. Chính khi biết rõ mình, và nhận diện được hoàn cảnh một cách đúng đắn, ta sẽ biết lánh xa điều gì, và gần với điều gì. 

Khi tăng đoàn xảy ra sự tranh chấp, Đức Phật cũng tránh để vào rừng một mình một thời gian. Ngài bước đi với một tâm rỗng lặng hoàn toàn của một bậc chánh đẳng chánh giác. Vì ngài nhận diện được hoàn cảnh, nên không can thiệp mà để cho các đệ tử tự giải quyết vấn đề. Sau khi mọi chuyện dần ổn thỏa, ngài trở lại giảng pháp. Như vậy, biết việc gì cần tham gia, và không tham gia, cũng là một điều vô cùng quan trọng. 

Từ bi hỷ xả không nằm ở chỗ chuyện gì đến cũng cứ ra tay giúp đỡ, mà có những lúc, sự giúp đỡ đích thực lại nằm ở chỗ không làm gì cả. Nhiều khi, sự tránh né lại là giúp mình và giúp người. Chẳng hạn, người bố thấy con có bài toán khó nên giúp đỡ. Vì thấy quá dễ dàng, nên ngày nào đứa con cũng nhờ bố giúp. Thấy thế, bố tránh không giúp con nữa để con tự giải quyết bài toán của mình, để nó hình thành tư duy độc lập và tính nhẫn nại. Đó chẳng phải là tránh né đúng đắn hay sao? 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.