mâu thuẫn nội tâm

2:45:00 PM
Mâu thuẫn thường xảy ra khi bên trong ta nảy sinh chọn một thứ, nhưng hãy còn vương vấn thứ còn lại. Cuộc sống bất toàn khi ta có ý muốn đạt được một cái gì đó, vì lúc này, ta cũng sẽ bị tổn thương bởi điều ta cho rằng ta đã đánh mất. Nhưng nếu ta không khởi sinh muốn gì, ta lại có được tất cả. 

Một cuộc trò chuyện dài 4 tiếng đồng hồ với một nữ họa sĩ đã ở tuổi ngũ tuần khiến tôi nhận ra rằng cuộc đời đôi khi khiến con người theo đuổi sự thôi thúc mơ hồ nào đó từ bên trong, để người ta có lúc thăng hoa nhưng cũng có lúc phải dằn vặt bởi chính chọn lựa của mình. 

Chị kể chuyện về một đệ tử của chị. Một người phụ nữ cá tính, trẻ trung, nhưng có quá nhiều ức chế nội tâm không thể giải quyết đến nỗi nhiều lần tự làm hại mình. Cho đến một ngày, cô bén duyên với Phật pháp thì như "bừng tỉnh", kiên quyết tin rằng đó là con đường dành riêng cho mình. Đứng giữa hai chọn lựa, một là theo đuổi nghiệp hội họa, hai là tu hành, cô nghĩ vế sau có lẽ mới là đúng đắn. Cô tìm đến nhiều chùa, làm công quả, cắt tóc rồi ở lại, nhưng cứ ở một thời gian lại có chuyện bất hòa, cô bỏ đi. Con đường tu hành ở chùa của cô thị phi, bất trắc không kém gì một con người ở giữa cuộc đời mà tu. Hơn thế nữa, cô còn nảy sinh tâm yêu thương một người phụ nữ khác, nhưng vì chọn nghiệp tu hành mà không đến được với nhau. Có lẽ, đây chính là nỗi niềm khiến cô uất ức và cảm thấy tội lỗi hơn cả. Một phần nào đó bên trong cô muốn tu hành, nhưng sợi dây nhân duyên với thế gian thì cô chưa thể dứt bỏ. Sự mâu thuẫn bên trong cô đến từ việc lý trí cô tách biệt giữa đạo và đời, chọn đạo thì thôi đời, nhưng nội tâm cô vẫn phản ứng rất đời, thế nên mà đường đạo mới thật chông chênh như thế.

Đời và đạo vốn dĩ không nằm ở môi trường, không nằm ở hoàn cảnh sống của ta, không nằm ở chùa hay ở ngoài chùa, mà nằm ở trong chính thái độ sống nơi mỗi người. Khi hiểu ra điều này, người ta sẽ không còn bị mâu thuẫn giữa việc chọn môi trường tu.

Sau khi nghe chị kể chuyện xong, tôi mới bộc bạch: "Cô ấy đọc Phật pháp, và tin đây là ánh sáng dẫn đường. Nhưng có lẽ, cô ấy đã đặt nặng quá về việc giác ngộ giải thoát, cô ấy đã tự hình thành cho mình một lý tưởng tu hành để rồi phải dằn vặt đau đớn trong chính lựa chọn ấy. Bởi sự thương ghét bên trong cô vẫn còn quá lớn, "bụi trần" hãy còn vương quá nhiều. Người như cô ấy sẽ phải khổ nhiều, sẽ phải bôn ba nhiều,..."

Rồi tôi tiếp: "Em cảm thấy điều tốt đẹp khi đến với Phật pháp là em càng sáng ra và không còn bị mâu thuẫn. Đạo và đời vốn dĩ là ở thái độ sống. Tình yêu, tình thương dù bên trong mình hãy còn hữu hạn, thì em vẫn phải yêu, phải thương chân thành, để tình yêu đó được chuyển hóa, để nó được nới rộng. Em không bao giờ từ chối tình cảm bên trong mình, cho đến một ngày, tâm em đối diện tất cả mà không còn trong cặp nhị nguyên đối kháng yêu ghét. Người phụ nữ chị kể từ chối yêu, từ chối đời, để chọn tu hành, nhưng tâm chị ấy vẫn thôi thúc chị ấy phải yêu, phải ghét, để thấy ra bản chất yêu ghét, nhưng chị ấy lại khước từ nó. Đó là nỗi khổ tâm, và uất ức kìm nén mạnh mẽ nhất trong suốt cuộc đời một con người."

Vốn dĩ là việc tu hành sẽ nhẹ nhàng nếu như người ta không đặt nặng nó. Và, sự tu hành sẽ thật nặng nề nếu người ta có ý bỏ vào đó quá nhiều lý tưởng và quan niệm chủ quan. Cuộc sống là một cuộc trải nghiệm bất tận, mà ở đó, người ta phải lắng nghe sự thôi thúc tâm để họ nhìn ra được những cung bậc bên trong mình. Nếu tâm hãy còn tham công tiếc việc, thì ta phải làm để thấy mình trong sự tham công tiếc việc đó. Nếu tâm hãy còn nảy sinh yêu đương, thì vẫn phải yêu đương và thấy mình trong sự yêu đương. Vốn dĩ thì yêu đương và tham công tiếc việc cũng là một sự tu hành, tại sao con người lại tránh né chúng để rồi tự mâu thuẫn trong chính cách nghĩ hạn hẹp ấy của mình. Thế nên, mấu chốt vẫn nằm ở chỗ, muốn gì làm nấy để học ra bài học giác ngộ!

Yêu đương lắm thì đến một lúc, con người cũng sẽ nhàm chán để rồi thấy ra bản chất yêu đương cũng chỉ là phản ứng của bản ngã, là một sự ảo tưởng, nhưng nếu không đã từng yêu, thì làm sao có thể nhận ra điều đó? Làm sao có thể đi đến chỗ "đúc kết" bài học? Vậy nên, việc tu hành rốt cuộc vẫn nằm ở chỗ đón nhận các trải nghiệm để thấy mình trong các trải nghiệm mà thôi. Cho đến một ngày, khi ta đứng trước trải nghiệm đó, mà tâm không còn bị thôi thúc, thì khi đó, có nghĩa là ta đã học xong bài học. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.