thiền không có nghĩa là tập trung
Nhiều người lầm tưởng rằng khi ta tập trung hay chú tâm một cách nghiêm túc vào một công việc nào đó, không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài thì ấy là thiền. Nhưng thực ra lại không phải. Nếu gọi đó là "định" vào một việc/một vấn đề thì đúng hơn. Nhưng nếu gọi đó là thiền tuệ, tức thấy ra sự thật nơi thân, thọ, tâm, pháp thì chưa đúng.
Tôi có quen một người bạn, dù là người nhạy cảm, dễ bị xúc động, dễ bị cảm xúc chi phối nhưng cũng là người vô cùng tập trung khi làm việc. Khi đã vào công việc, chị ấy chỉ có biết công việc. Nói đúng hơn, chị ấy chìm đắm trong công việc. Nếu ai đó đứng sau lưng chị, hay nói năng gì xung quanh, chị hoàn toàn không hay biết. Nhưng khi dứt công việc, chị lại dễ chìm đắm trong những cảm xúc ảo tưởng huyễn hoặc của chính mình. Tôi nói đùa với chị: "Khi làm là tập trung làm, khi dứt làm rồi thì lại tập trung đau khổ!" Chị bật cười và cảm thấy đúng thế thật.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng những người tập trung cao độ trong công việc, hoàn thành công việc một cách xuất sắc, phải chăng vì họ có chánh niệm - tỉnh giác tốt mọi lúc mọi nơi. Nhưng chưa hẳn. Họ phần nhiều là trường hợp của người bạn mà tôi kể trên. Làm và chỉ có biết làm. Nhưng như vậy vẫn đang là rơi vào tình trạng quên mình trong công việc chứ không phải là biết mình. Vì lúc đó, vì chìm đắm trong công việc, họ không biết cảm thọ lúc ấy ra sao, thân như thế nào, và môi trường xung quanh... Tánh biết của họ gần như nằm im sâu chứ chưa thực sự phát huy được vai trò của nó.
Có người hỏi, nếu trong lúc làm, mà cứ quan sát thân, thọ, tâm, pháp thì làm sao tập trung làm được. Vậy là họ chưa thực sự hiểu gì về thiền tuệ hay chánh niệm - tỉnh giác. Vì chánh niệm - tỉnh giác không phải là cái quan sát của lý trí mà là một cái thấy hoàn toàn tự nhiên, thả lỏng và trong sáng. Chỉ cần quay về biết mình thì lập tức cái thấy đó được phát huy vai trò của nó. Và nếu chánh niệm - tỉnh giác đúng đắn, thì người đó không những làm việc tốt hơn, mà họ còn biết mình đang ra sao để điều chỉnh hành vi nhận thức của bản thân cho đúng tốt.
Có lần nọ, trong một bữa ăn với người bạn, có lẽ vì ẩm thực hơi khác với khẩu vị hàng ngày nên tôi có chút cảm giác đau bụng. Nhưng thay vì cuốn theo cơn đau, tôi lắng nghe trò chuyện với bạn tự nhiên trong khi vẫn quan sát cơn đau, cảm thọ, lẫn tâm mình một cách thả lỏng. Và vì không bị chìm đắm cuốn trôi trong cơn đau, nên chỉ khoảng mười phút sau, sự vận hành tiêu hóa được diễn ra tự nhiên và dần trở về sự cân bằng. Cũng vậy, nhờ chánh niệm - tỉnh giác thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, nên tôi không còn cảm thấy những cơn đau về mặt thể xác chi phối mình nữa, mà tôi chỉ đơn thuần có mặt trọn vẹn với chúng, cảm thấy chúng ở đó nhưng không tác động được đến tâm của mình. Trong công việc cũng vậy, khi có chánh niệm - tỉnh giác trên thân, thọ, tâm, pháp, chứ không chìm đắm vào bất cứ điều gì, tuệ giác của ta sẽ được phát huy, giúp ta trở nên thăng bằng.
Như vậy, thiền là tránh xa việc chìm đắm trong hiện tại, chìm đắm trong quá khứ, và chìm đắm trong tương lai. Sự chìm đắm không mang đến tuệ tri, mà chỉ khiến ta quên mình, đánh mất mình trong đó. Giống như một cậu học sinh đang chơi điện tử vậy, cậu ta chỉ có biết chơi điện tử, và chìm đắm trong việc chơi điện tử đó đến nỗi quên hết thời gian, quên hết lối về, quên hết bài vở, và biến việc chơi điện tử ấy thành thói quen gây nghiện, gây ảnh hưởng đến tinh thần lẫn thể xác. Bạn có thấy giờ đây cũng có nhiều người nghiện công việc hay không? Mà đã bị dính mắc/chìm đắm vào cái gì thì điều đó không có nghĩa là thiền nữa. Thiền là mang đến sự tự do tự tại hoàn toàn. Và nếu ai đang thiền tuệ đúng đắn, thì cái thấy của họ là càng ngày càng rộng ra. Nếu chỉ thấy ở một điểm, thì đó định chứ không phải tuệ.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.