sự xúc động

3:31:00 PM
Nếu không có sự xúc động thì ta hóa ra lại trở thành người vô cảm. Nhưng sự xúc động với tâm tốt đẹp, lương thiện, thì khác với động tâm xuất phát từ tham, sân, si. 

Nhiều người khi đọc câu "tâm không động, không sầu" để ám chỉ một người giác ngộ, liền nghĩ rằng phải chăng những con người này không còn tình cảm, không còn cảm xúc nữa. Nhưng đó là tà kiến. Một người thấy sự thật hoàn toàn không có nghĩa là người đó đánh mất cảm xúc, mà họ không còn bị dính mắc vào cảm xúc. Và cảm xúc này không còn là phản ứng cảm xúc của bản ngã, mà xuất phát từ một tâm trong sáng tốt đẹp, không còn mắc kẹt trong yêu ghét. 

Có thể nói, sự xúc động này tương đương với lòng trắc ẩn (sự thấu cảm, bén nhạy của chân tâm). Tuy nhiên, dù bản chất của lòng trắc ẩn là như thế, nhưng biểu hiện của sự xúc động này ở mỗi người lại khác nhau, và thường bị chi phối bởi tâm tham, sân, si. Chẳng hạn, khi bạn xúc động trước nỗi khổ của một người nào đó, vì sự xúc động này xuất phát từ tâm si nên đêm về bạn cứ nghĩ lại cảnh đó đến nỗi không chịu được, bạn nảy sinh ý nghĩ sao cuộc đời bất công đến thế, bạn tưởng tượng người đó sẽ sống ra sao nếu không nhà không cửa rồi còn lo cho con cái của mình nữa. Như vậy, sự xúc động này vẫn là phản ứng của bản ngã chứ không phải xuất phát từ chân tâm nữa. Bởi sự xúc động của tâm tốt đẹp thì tự tại, vô nhiễm; còn động tâm phát xuất từ bản ngã thì vẫn mang đến nhiều phiền muộn đau khổ. 

Còn khi bạn nghe một bản nhạc với âm hưởng thiêng liêng hay đọc một bài thơ nói lên được sự thật, bạn xúc động vì thấy ra được nội dung của cả hai chạm đến đạo lý ở đời, nhưng không để bị dính mắc, thì đó vẫn là một sự xúc động đẹp đẽ. Nó không khởi lên từ tâm tham lam, si mê hay sân hận. 

Mỗi lần cảm xúc khởi sinh, bạn chỉ cần nhìn vào nó, bạn sẽ biết được liệu đó là sự bén nhạy tự nhiên của chân tâm, hay là phản ứng của bản ngã. Nếu đó là phản ứng của bản ngã, thì đó cũng là những khâu trong thập nhị nhân duyên, bắt nguồn từ vô minh mà ra. Đó cũng chính là luân hồi sinh tử. Và chỉ cần quan sát một cách thả lỏng, và trong sáng, thì cũng đang tự do khỏi nó rồi. Vì thế, xúc động không phải là thứ đáng sợ hay đáng lo ngại mà quan trọng là phải nhận diện được nó để không bị nó dẫn dắt mà thôi. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.