cứ tiếp tục đấu tranh

11:50:00 AM
Sự đấu tranh nội tâm ở con người phóng chiếu ra một cuộc đời toàn những đấu đá và tranh giành. Không thể dập tắt những đấu tranh ngoại cảnh nếu sự đấu tranh nội tâm chưa thể giải quyết triệt để. Nhưng những dằn vặt nội tâm diễn ra không phải để ta loại bỏ, mà là để thấy ra được nó. Chính cái thấy gỡ rối cho tất cả, chứ không phải là sự cố gắng dẹp bỏ. 

Bạn có thấy không, người ta luôn muốn dẹp bỏ các cuộc đấu tranh ở bên ngoài lẫn bên trong mình, nhưng dẹp được cái này, thì tương lai sẽ có cái khác. Vì con người vẫn chưa thông suốt được sự thật của các cuộc chiến, cũng như chưa thông suốt được các cuộc đấu tranh nội tâm bên trong mình, vậy thì mọi cố gắng dẹp bỏ cũng giống như đặt đá lên cỏ, khi gỡ đá ra thì cỏ lại tiếp tục mọc mà thôi. 

Một học trò gửi thư đến thầy: "Dạo gần đây, con luôn ở trong những dằn vặt đến cùng cực. Thứ nhất là chuyện kinh doanh của con không thuận lợi, bao mối quan hệ khách hàng thân thiết giờ mất tin tưởng vào công ty con, rồi chuyện gia đình con cũng đang lục đục, vợ chồng con sắp sửa đệ đơn ly hôn. Con cái thì còn nhỏ, con thực sự rất lo. Con đang phải đấu tranh rất dữ dội, thưa thầy, thầy cứu con với!" Người thầy thẳng thắn mà từ bi đáp: "Đó chính là bản chất của cuộc cống để con thấy ra được sự thật, thấy ra được chính mình giữa những giằng xé lo toan. Cứ tiếp tục đấu tranh đi con!"

Nhưng khổ nỗi, khi con người chấp chới trong cuộc đấu đá nội tâm, họ luôn muốn dẹp bỏ chúng. Dẹp bỏ cơn sân hận. Dẹp bỏ nỗi buồn. Dẹp bỏ lo toan. Nhưng sự dẹp bỏ không thể trị tận gốc vấn đề, mà chỉ như đá đè lên cỏ, khi đá rời, thì cỏ lại tiếp tục mọc lên mà thôi. Vì thế, cách bền vững nhất là phải thấy ra được chính mình giữa những giằng xé nội tâm. Không để bị buông xuôi, không bị cuốn theo nó. Không phản ứng tạo tác đúng sai lại với nó. Thì khi đó, ta mới có thể tự do khỏi nó. 

Có những người, vì trí tuệ chưa đủ lực (tức đang bị mắc kẹt, chưa thấy ra được sự thật). thì đôi khi việc để họ tự đấu tranh lại khiến họ học hỏi tốt hơn cả. Khi chạm đến một điểm nào đó của sự dằn xé, biết đâu họ lại tỉnh ngộ, tánh biết bên trong họ lại tự dưng phát huy được tiềm năng vốn có. Họ lại tự vực mình dậy giữa chiêm bao. Năng lực "tự làm thầy" cho chính mình đều có sẵn bên trong mỗi người. Việc trải nghiệm qua nhiều đời, nhiều kiếp, khiến năng lực tự giúp mình này có cơ hội trở lại trong lúc họ thực sự tuyệt vọng. Quan trọng là họ có đủ nhạy với nó hay không mà thôi. 

Mọi sự giác ngộ đều là tự lực. Bởi một khi ta tự lực, ta đã có luôn tha lực (nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài). Nhưng nếu nương nhờ vào tha lực, và chỉ biết cầu cứu tha lực, thì ta không thể phát huy được trí tuệ một cách rốt ráo. Và khi dựa dẫm vào tha lực, người ta cũng không thể phát huy được tính nhạy (chiếc radar bên trong mình). Khi nương nhờ tha lực, nghĩa là người ta cũng không hề biết rằng mỗi người đều là một vũ trụ thu nhỏ, tất cả đã có sẵn, chỉ cần nương cậy vào chính mình thì mọi chuyện là tốt đẹp ngay đây và bây giờ rồi. 




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.