chánh pháp trong mỗi người
Học Phật không nằm ở chỗ tin hay không tin, mà là thấy ra được sự thật cốt lõi là khổ, vô thường và vô ngã. Bởi nếu tin mà chưa thấy ra điều đó thông qua trải nghiệm thì đó vẫn chưa phải là trí tuệ, thậm chí có khi lại dễ rơi vào mê tín. Đạo Phật thực sự không phải là chỗ nương tựa cho những tín đồ cầu xin phước lành từ đấng trên cao (một vị Phật - Bồ Tát), mà dành cho những người tự trải bước đi trên con đường (đạo) trở về chân tánh/bản lai diện mục (Phật tính).
Đạo Phật (con đường giác ngộ) thời Đức Thế Tôn đã bị biến thành Phật giáo (một tôn giáo) như bây giờ, thậm chí là một ngành công nghiệp tâm linh. Nhưng người học Phật chân chính không để bị dính mắc vào thời cuộc mà rời xa đạo, họ đối diện với chính mình trong mối quan hệ xảy ra giữa thời cuộc để thấy ra sự thật ngay nơi mình. Bởi giác ngộ không nằm ở thời cuộc, mà vẫn luôn luôn ở ngay tâm mình. Vì thế, đổ lỗi cho thời cuộc mạt pháp chỉ phí tổn thời gian, tại sao không xem thời cuộc này là điều kiện thuận lợi để thấy ra tâm mình một cách trọn vẹn. Bởi bản ngã chỉ có thể được đánh tan trong sự xúc chạm mà thôi. Xúc chạm càng lớn là để thử thách xem tâm ta có bình thản hay không.
Dù Đạo Phật có bị biến tướng ra sao, thì chân lý vẫn chỉ có một. Mà chân lý vốn được khám phá thông qua chính trải nghiệm thấy ra nơi mỗi người, vì thế, chánh pháp luôn luôn có trong mỗi cá nhân, chúng ta không cần phải lo ngại về điều đó. Kinh kệ vốn dĩ cũng đang tự viết ra trong mỗi người, quan trọng là ta có chịu trở về mà thấy tâm mình không thôi.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.