lắng nghe cũng là chia sẻ

6:23:00 PM

Có những người bạn mà tôi có thể lắng nghe họ nói chuyện nhiều tiếng đồng hồ nhưng không hề bực tức mà cảm thấy thật nhẹ nhàng và an nhiên. Tôi chưa từng nghe ai đó nói nhiều giờ đồng hồ như vậy, hoặc là tôi sẽ thay phiên nói trong một quãng nhất định. Đã nhiều lần, tôi lắng nghe, trong nhiều tiếng đồng hồ, mà thời gian như không hề tồn tại.
 
Tôi dần nhận ra đôi khi bản thân không có nhu cầu chia sẻ bằng lời nói, bởi lắng nghe cũng là một kiểu chia sẻ khác, đặc biệt hơn nữa, việc lắng nghe ấy luôn khiến đôi bên nhẹ lòng và cảm thấy được thấu hiểu. Điều đó cũng có nghĩa rằng ta không có nhu cầu phải thể hiện mình thông qua những tri thức cá nhân hay đời sống riêng tư. Ta vui dù không có điều kiện chia sẻ ra những điều đó với bạn. 
 
Đôi khi không có khái niệm thời gian trong một cuộc trò chuyện là điều tuyệt vời định nghĩa nên một tình bạn thật sự. Dù đôi bạn ấy không có vẻ thực sự hiểu nhau, không có vẻ đồng điệu cho lắm, nhưng khi họ ở bên nhau, không còn khái niệm thời gian, đó là một điều đáng trân quý. Và khi trò chuyện với bạn, ta cũng hoàn toàn vứt bỏ điện thoại sang một bên. Ta cảm thấy thật an lành khi không cầm trên tay chiếc điện thoại, vô thức hay cố ý kiểm tra cái nọ cái kia. Và trước khi gặp bạn, ta đã hoàn thành tất cả mọi công việc để khỏi phải nghĩ ngợi điều gì. Ta muốn có sự hiện diện trọn vẹn với bạn, và lắng nghe bạn, dù đôi lúc, ta không quá hiểu những điều bạn nói. Có thể bạn đang phiêu trong thế giới riêng của mình và diễn giải theo phong cách riêng ấy. 
 
Khi ta lắng nghe trọn vẹn, cái tôi của chúng ta được lược bỏ, và đó là một trải nghiệm thật sự tuyệt vời. Có những người bạn mà ta lắng nghe, nhưng ta không có được sự yêu thích, có thể vì tần sóng giữa đôi bên không đồng điệu,  nhưng ta vẫn chú tâm lắng nghe, đó là thái độ sống của ta trước bạn, như trước bao người. 
 
Một người bạn chia sẻ với tôi rằng cô ấy rất hay nổi nóng và là một người dễ dàng nổi nóng. Lúc nổi nóng, cô như biến thành một con quỷ dữ. Không còn là cô nữa. Trong một lần, vì tức giận quá, cô ấy thậm chí không chào tạm biệt người chồng của mình mà cứ thế tắt điện thoại, rồi lẳng lặng về nhà mẹ. Cho đến khi chồng đến đón thì mới nguôi nguôi cơn giận. 
 
Có lần cô hỏi tôi:
 
"Nhìn Trang điềm tĩnh thế thì có lúc nào nổi điên không?"
 
Tôi đáp:
 
"Có chứ! Trong quá khứ, Trang đã nổi nóng không ít lần, đặc biệt lúc còn nhỏ. Còn bây giờ thì không. Vì mình có chánh niệm – tỉnh giác để không còn phản ứng vô thức như hồi kia nữa."
 
Cô hỏi tôi bí quyết, tôi bèn đáp:
 
"Lắng nghe trọn vẹn là một trong những điều quan trọng để chúng ta có được sự bình tĩnh. Khi ai đó nói điều không hay với ta, nhưng ta biết lắng nghe trong khi thận trọng – chú tâm – quan sát bên trong mình, tự dưng ta  sẽ có ngay thái độ sáng suốt. Quá trình lắng nghe trong sáng, không phán xét, không phân tích đúng sai này giúp ta trở về thực tại và nhận biết mọi thứ như nó vốn là. Điều quan trọng không phải là thái độ của người kia, mà là thái độ của ta đối với sự việc. Quá trình lắng nghe có chánh niệm này giúp ta có sự bình tĩnh cần thiết, không kêu gào, bực tức, nóng nảy một cách vô thức hay theo thói quen nữa.  Vì tất cả những phản ứng chỉ xảy ra khi trong ta thiếu bình tĩnh và sáng suốt. Điều đó bắt nguồn từ việc ta nghe để đối đáp, hoặc thậm chí ta chả buồn nghe mà chỉ muốn nói toạc ra ý cái tôi đang muốn thét gào hay muốn thanh minh. Lúc này, bạn sẽ bị đồng hóa vào cơn giận dữ ấy mà thôi."
 
"Bình tĩnh và sáng suốt rất khó, dường như ta dễ bị cảm xúc dẫn dắt?"
 
"Đúng thế. Đi qua những lần nổi nỏng, mình mới biết nguyên do đến từ đâu. Đó là một phản ứng dựa trên cái tôi và thói quen/bản năng. Khi bạn nổi điên nhiều lần mà không có chánh niệm – tỉnh giác, nó sẽ tạo thành một thói quen, như hút thuốc lá hay nghiện ma túy vậy. Ta dễ nổi điên khi bắt gặp chuyện gì đó khiến ta không hài lòng. Từ bỏ một thói quen là khó vì nó đã ngấm và lập trình sâu vào tâm thức. Bây giờ, chỉ có một cách là hãy biết quay về bên trong, thận trọng – chú tâm – quan sát. Chúng ta gần như phải học cách lắng nghe, lắng nghe mọi người và lắng nghe nội tại của mình."
 
Lắng nghe trọn vẹn ắt sẽ có được sự bình tĩnh. Khi có bình tĩnh và sáng suốt, nghĩa là ta giải thoát chính mình, chứ không phải lắng nghe để chịu đựng.




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.