khoảng lặng

8:54:00 AM
Cũng giống như những ngôi nhà cần khoảng trống, mỗi người đều cần có những khoảng lặng. Khoảng lặng để suy tư, chiêm nghiệm, và khoảng lặng để nhận ra rằng mục đích sống không phải là để nghĩ suy gì cao siêu mà là khả năng biết lắng lại những suy nghĩ để tâm trí rơi vào sự rỗng lặng. 

Một trong những lĩnh vực mà tôi đặc biệt yêu thích là kiến trúc. Khi viết về những ngôi nhà, tôi thấy xu hướng bây giờ là tạo ra một góc không gian Zen (thiền tịnh) để mỗi thành viên trong gia đình có thể ngồi lại, lắng bớt những bận rộn trong ngày, rơi vào trạng thái định tĩnh để thái độ trở nên sáng suốt. Có thể nói, góc Zen ấy là chất xúc tác để mời gọi mỗi người, đặc biệt những cá nhân sinh sống ở đô thị tất bật bon chen, tự phản tỉnh chính mình về một lối sống cân bằng. Và thực tế, sự thăng bằng hay trung đạo cũng chính là con đường mà Đức Phật đã ngộ ra rồi giảng cho các đệ tử của mình. 

Khi còn tuổi sinh viên, tôi là một người thường tất bật trong những ý tưởng mới, dự án mới. Vì sống trong một môi trường có quá nhiều người giỏi giang khiến tôi vô thức tự tạo ra một cuộc chạy đua cho chính mình. Sự cố gắng làm việc đã có lúc khiến tôi rơi vào trạng thái căng thẳng, đỉnh điểm có lần, tôi hoàn thành một dự án chấp bút (viết sách hộ) gần 300 trang chỉ trong vòng 2 tháng, để rồi khi kết thúc dự án, tôi mới có thời gian mà nhìn lại chính mình và nhận ra đầu óc lẫn thân thể tôi như sợi lò xo bị kéo căng ra và giờ đây thật khó khăn để trở về trạng thái cân bằng ban đầu. Về sau, khi học Phật, tôi nhận ra mọi áp lực đến phiền não xảy ra là do ta thiếu tỉnh thức trong đời sống. Có khi ta bị những vấn đề công việc lẫn đời tư kéo ta đi trong vô thức. Cho đến khi đạt một ngưỡng nào đó vượt quá sức chịu đựng của thân thể lẫn tinh thần, ta mới quay trở về chính mình, nhận ra, và lúc này, việc giải quyết nó trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vì các áp lực lẫn phiền não đã bị dồn nén thật sâu vào bên trong. Tất cả lý giải cho việc sống thiếu chánh niệm - tỉnh giác thật nguy hiểm đến nhường nào. 

Về sau, tôi tự hình thành cho mình những khoảng lặng ngay trong lúc đang làm việc. Điều đó không có nghĩa là tôi ngồi kiết già hay bán già rồi rơi vào trạng thái thiền mà đơn thuần là biết mình trong lúc đang làm. Biết mình đang suy nghĩ gì, cảm xúc gì, có khó chịu chỗ nào hay thoải mái để rồi điều chỉnh thân lẫn tâm. Và chính nhờ sự quan sát trọn vẹn và trong sáng này mà chúng ta thấy rõ khoảng lặng trong tâm. Thấu suốt khoảng lặng của tâm này mới thực sự quan trọng, nó khác với việc ta tạo ra một khoảng lặng ở bên ngoài. Việc biết mình này trái ngược hẳn với việc quên mình trong công việc. Ngày nay, nhiều người quên mình trong công việc và trong những tình huống đời sống khác. Điều đó khiến họ đánh mất chính mình. Họ có thể nhìn thấy hiệu suất công việc trước mắt, nhưng về lâu về dài, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề tiêu cực nảy sinh, mà đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Ai ai cũng cần khoảng lặng cho tâm hồn. Và cách giải quyết tốt nhất vẫn là biết mình, soi sáng chính mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Giận biết giận, đau biết đau, khổ biết khổ, sướng biết sướng, thì đó chính là niết bàn. Dù ta có xây một ngôi nhà cho tương lai, thì tâm ta vẫn phải biết định tĩnh và sáng suốt trong hiện tại, thì việc xây dựng đó mới thực sự bền vững. 

Nếu bạn có sự quan sát thấu đáo thì ta thấy sự vận hành của vạn sự trong đời sống này vốn dĩ rất cân bằng, và sự cân bằng này lại nằm trong chính sự trái dấu: ngày - đêm, sinh - diệt, âm - dương,... Sự cân bằng ấy vốn cũng đã có sẵn trong bản thân mỗi người. Khi một người có cơn đau bụng, thì thực ra, đó cũng là một sự cân bằng cho cơ thể vì nó đang làm việc để tống khứ chất độc ra ngoài. Sự đau bụng diễn ra để báo hiệu cho người đó biết có vấn đề phát sinh để họ đi tìm nguyên nhân và từ đó tránh việc tạo ra nguyên nhân đó. Tương tự, nếu bạn đang trải qua sự đau khổ về mặt tinh thần thì đó cũng là một cán cân cân bằng để khuyên nhủ ta đừng có tạo tác thêm phản ứng nào nữa của bản ngã. Vì còn tạo tác bản ngã, là còn đau khổ. Thế nên, đau thì cứ biết đau. Lúc đó, ta đang chọn con đường trung đạo. Đau là đau. Còn thái độ của ta vẫn trong sáng và trọn vẹn. Nó không tác động vào nỗi đau này. Ta sẽ được an ổn ngay trong cả nỗi đau. Đây mới chính là chìa khóa để có khoảng lặng tuyệt hảo cho tâm hồn.




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.