Hiểu đúng về thái độ bình đẳng

7:58:00 PM
Một trong những khổ đau và phiền não lớn nhất của xã hội là thái độ đối xử không bình đẳng lẫn nhau giữa người với người. Chúng ta thường có xu hướng đối xử thật nhã nhặn và tử tế với người đang làm điều thiện lành hay ta tin rằng họ thiện lành, nhưng lại có xu hướng hay vô thức đối xử khinh bỉ và ghét bỏ những người làm điều bất thiện hay ta tin rằng họ bất thiện. Nhưng, thái độ bình đẳng thật sự là bình đẳng với tất cả mọi người, dù họ là ai đi chăng nữa. Thái độ bình đẳng này không tùy vào điều kiện người đó hiền hay ác, tôn giáo A hay tôn giáo B, bị bệnh hay khỏe mạnh, vô thần hay hữu thần,... Tức ta không phải dựa vào việc họ là ai mới đối xử bình đẳng. Cái tâm bình đẳng này thật quan trọng, vì nếu trong tâm còn có sự chia rẽ, còn có sự phân biệt, thì xã hội sẽ còn đấu tranh hơn thua, sẽ còn khinh mạn, sẽ còn đau khổ. Đó cũng là một trong những lời dạy cốt lõi của Đức Phật thời ngài còn tại thế, rằng chúng sinh là bình đẳng. 

Tôi còn nhớ Đức Dalai Lama từng chia sẻ cảm nhận của Ngài về Hoa Kỳ, đại loại là: "Tôi rất yêu mến nước Mỹ, họ có sự văn minh và cách tiếp cận mở nhưng có một điều mà Mỹ cần làm đó là thu hẹp lại sự phân biệt chủng tộc. Tất cả chúng ta, dù sinh ra ở nước này, nước kia, thì đều là anh em, đều có chung nguồn gốc mà thôi." Thế nhưng, chúng ta hãy nhìn xem, các cuộc chiến tranh, các xung đột, mâu thuẫn... trên thế giới này chẳng phải đến từ cái tâm ngã mạn, so sánh hơn thua, từ sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng hay sao. Từ việc người da trắng từng đối xử với người da đen như nô lệ (thậm chí bây giờ vẫn còn sự phân biệt), từ việc Hitler cho rằng người Đức là thượng đẳng rồi tàn sát người Do Thái, từ việc Trung Hoa xâm chiếm Tây Tạng,... Tất cả đều xảy đến từ thái độ bất bình đẳng này. Thái độ bất bình đẳng này đôi khi rất vi tế, và chúng ta thường biện bạch bằng các lý do này kia như họ nhiễm vi rút, họ chưa tiêm vaccine, họ hay lừa dối,... để rồi đối xử bất bình đẳng với họ. Cái tâm bất bình đẳng là một nguồn năng lượng tiêu cực. Làm sao chúng ta có thể chuyển hóa con người và xã hội này tốt hơn, an lành hơn bằng nguồn năng lượng tiêu cực? Chỉ có cái tâm bình đẳng mới có thể chuyển hóa cái xấu mà thôi. 

Chúa Gie-su từng dạy hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Lời khuyên của Ngài là chân thực như vậy. Bởi chỉ có yêu thương mới có thể cảm hóa. Chỉ có cầu nguyện mới có thể truyền năng lượng tốt lành. Và điều Ngài dạy cũng muốn nhấn mạnh rằng hãy bình đẳng với tất cả, dù người đó có gây ra tổn thương và đau khổ cho bạn. Bởi oan oan tương báo biết bao giờ mới kết thúc, chỉ có từ bi và hòa giải mới có thể dẫn đến một cái kết tốt đẹp mà thôi.

Cách đây không lâu, khi tôi ngồi trò chuyện cùng một người bạn học Phật. Anh bảo: "Trước đây, anh cũng ghét cay ghét đắng những người làm chuyện ác, những người tham vọng quyền lực để rồi bị u mê che mờ. Nhưng giờ đây, anh hiểu ra một điều rằng, họ cũng chỉ vì vô minh, vì bám chấp vào một cái tôi không thực có, mà làm những điều bất thiện. Nếu mình cũng dùng cái tâm bất thiện (tức tâm bất bình đẳng) mà đối xử với họ thì cũng là đang tạo nghiệp bất thiện mà thôi." Điều anh nói thật quá chí lý! Chúng ta không thể dùng cái tâm bất thiện để xử lý một nghiệp bất thiện. Mà chỉ có cái tâm từ bi mới có thể hóa giải mà thôi. 

Khi hiểu rốt ráo về bình đẳng, ta sẽ không lấy một lý do nào để viện cớ cho việc ta ghét ai, ta khinh ai, ta đối xử thiếu công bằng với ai, mà lý do chỉ là vì ta đang bám chấp vào một cái tôi ngã mạn không thực có. Dù cái ngã mạn đó là ảo tưởng, nhưng ta đã dính mắc vào, để rồi bị nó điều khiển và kiểm soát. Lý do cho mọi hành động mà ta làm đều xuất phát từ tâm của ta mà thôi, ta không thể đổ lỗi cho bất cứ một sự vật sự việc nào đó bên ngoài. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.