ai ai cũng đang trải nghiệm để thấy
Không quan trọng là bạn đang đi trên con đường nào, mà quan trọng là bạn học được gì từ những trải nghiệm trên con đường đó. Khi đến với cuộc đời này, mỗi người đều có một sinh nghiệp (nghiệp quả kiếp này) khác nhau, nhưng về bản chất, ai ai cũng đang trải nghiệm để thấy ra sự thật. Tất nhiên, có người học nhanh, có người học chậm, có người thấy sớm, có người thấy muộn.
Khi một ai đó làm chuyện ác như ăn trộm hay đánh người, thực ra người đó cũng đang tu. Tức họ phải trải qua việc ăn trộm và đánh người đó thì mới biết cảm giác làm điều này ra sao, để thấy nó là trái đạo lý, rồi không tái phạm nữa. Tất nhiên, họ có thể nhận ra sớm hoặc muộn, nhưng kiểu gì cũng nhận ra. Thực tế, không một ai là hoàn toàn trong sạch. Mà nếu có, chỉ là trong sạch trong khoảnh khắc bây giờ và tại đây. Chúng ta không trong sạch trong quá khứ, bởi trong vô số đời sống trước, ta đã tạo tác nhiều điều sai lầm mà ta chẳng nhớ hay biết đó thôi. Còn tương lai thì ta hoàn toàn không thể rõ. Khi hiểu điều này, ta sẽ nhìn tất cả con người xung quanh mình bằng thái độ tỉnh thức và bao dung. Bởi thực tế, khi đứng trước một kẻ gây tội ác, mà ta khinh bỉ và căm hận họ, thì thái độ đó cũng đâu còn phải là thái độ trong sáng! Chúng ta nên lên án những hành động sai lầm, nhưng cần dùng thái độ từ bi, sáng suốt với kẻ đã gây ra hành động sai lầm ấy.
Trong cuộc sống, thiện ác đan xen nhau. Người được cho là ác thì đè đầu cưỡi cổ người khác, người được cho là thiện lại ôm trong lòng nỗi căm hận những kẻ gây tai ương. Vậy là về bản chất, tâm của cả hai đối tượng này rõ ràng vẫn chứa tam độc là tham, sân, si. Vậy thì mối quan hệ này bao giờ mới có thể hóa giải?
Khi Tây Tạng bị Trung Quốc xâm chiếm, Đức Dalai Lama buộc phải chạy sang Ấn Độ tị nạn. Suốt hàng chục năm qua, Ngài vẫn liên tục lên tiếng đề nghị Bắc Kinh hãy trả lại quyền tự chủ cho Tây Tạng, nhiều tu sĩ Tây Tạng tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc. Tất cả hành động và phát ngôn này bắt nguồn từ thái độ ôn hòa và tỉnh thức, chứ không phải ghét bỏ và sân hận. Hay như khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự giá, Ngài còn cầu nguyện cho những kẻ đã đóng đinh Ngài rằng: "Lạy Cha, hãy tha cho họ..." Đó là thái độ từ bi, bác ái của Chúa trước những kẻ gây tội nói riêng và chúng sinh nói chung. Chúa biết rằng những con người đóng đinh Ngài là trải nghiệm của họ để thấy ra sự thật. Đó là bài học của họ và là bài học của biết bao tín đồ Công giáo lẫn ngoại đạo. Ngài hy sinh mà không nghĩ rằng mình hy sinh. Ngài hiểu tất cả chúng ta đều từng sai lầm, nhưng hễ quay đầu thì sẽ là bờ.
Cuộc sống vốn dĩ được vận hành rất khoa học. Người gây nghiệp bất thiện thì sẽ lãnh quả xấu để tiếp tục học. Và dù mỗi đất nước đều có hệ thống luật pháp riêng, nhưng khi lãnh tội của hệ thống luật pháp ấy, thì họ vẫn phải gánh quả báo xấu do vũ trụ hấp dẫn đến. Điều đó là không bao giờ tránh khỏi. Luật pháp có chức năng vận hành một xã hội trật tự, nhưng luật nhân quả khiến họ học bài học ấy cho thật sâu sắc, và khiến họ thấy ra được chân lý.
Khi biết điều này, ta sẽ nhìn tất cả mọi con người xung quanh mình với một thái độ tôn trọng và bình đẳng. Dù họ là lao công, công an, họa sĩ, thầy tu, tù nhân,... thì trải nghiệm này là đúng người, đúng thời điểm. Ta sẽ không còn phân biệt tầng lớp xã hội, giàu - nghèo, người ác - người thiện,... mà đơn thuần giúp đỡ nhau cùng nhau phát triển. Ta cũng không nhìn một ai đó hơn mình mà ganh tỵ hay thua mình mà chê cười, tất cả đều đang trải nghiệm để nhận thấy mà thôi. Những quan niệm nhị nguyên đều bắt nguồn từ bản ngã, tháo gỡ bản ngã ra, ta thấy toàn bộ thế giới này tất cả con người bình đẳng như nhau.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.