2 cuốn sách ảnh hưởng
Bạn đọc thân mến!
Sáng tạo là bản năng của con người. Ngay như mở đầu phần Cựu Ước, chúng ta cũng nhận thấy một điều rằng Đức Chúa Trời dựng nên trời đất, tạo ra ngày đêm. Trong thời hiện đại, bản năng sáng tạo của con người được thể hiện trên tất cả mọi lĩnh vực: viết lách, hội họa, điêu khắc, kinh doanh,... Sáng tạo này ảnh hưởng đến sáng tạo kia, tạo nên một sự liên thuộc nhất định. Cha đẻ của thi phẩm Ngôn Sứ - Kahlil Gibran (1883 - 1931) cũng tìm về hội họa, trong họa phẩm có chất thơ phiêu bồng mang tính tâm linh y hệt như thơ ca. Còn Hermann Hesse (1877 – 1962), nhà văn đạt Giải Nobel Văn học vào năm 1946, từng giãi bày như thế này trong lá thư viết cho Felix Braun vào năm 1917: “Tất cả những khoảng trống vắng không thể chịu đựng này, tôi đã tìm thấy một hình thức giải tỏa hữu hiệu mà chưa từng trải nghiệm trước đây – đó chính là hội họa. Bằng việc vẽ, tôi cho phép bản thân đắm chìm trong niềm an ủi lớn lao, thứ mà viết lách hầu như không còn đủ khả năng cho tôi nữa.” Từ năm 1919 trở đi, nhà văn-nhà thơ thiên tài liên tục gửi nhiều bức thư nói về niềm vui dễ chịu mà ông trải nghiệm khi vẽ đến những người bạn khác nhau. Ông nhấn mạnh: “Thông qua hội họa, tôi cảm thấy mạnh mẽ rằng thế giới bên ngoài và bên trong tôi hòa hợp đến ngạc nhiên.”
Nói thế để thấy rằng, tự bao giờ, con người sinh ra đã có trong mình bản năng sáng tạo, được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Thế giới hiện đại của chúng ta được hình thành dựa trên bản năng không ngừng phát triển ấy. Nhưng không phải sáng tạo nào cũng đáng hoan nghênh, bởi có những sáng tạo đã tách rời Thượng Đế, phản lại sự có mặt của Người, để gây nên bao tang thương cho nhân loại. Nhưng đến một lúc nào đó, ta sẽ nhận ra rằng, tất cả mọi sự sáng tạo, suy cho cùng, đều đi đến tính Nhất Thể, quay về Thượng Đế mà thôi.
Năm 2019 và 2020 đánh dấu giai đoạn quan trọng trong hành trình nhận thức cá nhân, tôi có dịp biết đến những cuốn sách triết học - tâm linh quan trọng đã được dịch sang tiếng Việt như: Một giọt từ đọa đày (Hamvas Bela), Suy tưởng (Blaise Pascal), Tứ diệu đế (Dalai Lama), Kinh Thánh, Nhà khổ hạnh và Gã lang thang (Hermann Hesse), Ngôn sứ (Kahlil Gibran), Hành trình về phương Đông (Blair T. Spalding), Ám ảnh từ kiếp trước (Brian Weiss), Trò chuyện với vĩ nhân (Osho), Phụ nữ (Osho), Lược sử của tôn giáo (Richard Holloway), Hành trình của đại bàng (J.Krishnamurti), Về cái tinh thần trong nghệ thuật (Kandinsky), Một mình sống trong rừng (Henry David Thoreau), Kỳ thư Kibalion (Three Initiates), Đạo Đức Kinh (Lão Tử), Tạng thư sống chết (Sogyal Rinpoche),... Nhưng trong tất thảy, tôi yêu thích cuốn "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse và "Tự truyện của một yogi" của Thầy Pramahansa Yogananda. Bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng, sâu lắng, những câu chuyện trong hai tác phẩm ấy khiến tôi chìm đắm trong những bí ẩn cuộc sống và thay đổi nhận thức tâm linh một cách bất ngờ.
Bắt đầu với cuốn Câu chuyện dòng sông vào cuối năm 2019, lúc ấy, đối với tôi, tác phẩm mở ra một thế giới sâu lắng mà bí ẩn, về hành trình trải nghiệm để đi đến Nhất Thể của anh chàng Siddhartha, từ đó mà tác giả Hermann Hesse cho rằng để thấu hiểu bản chất đời sống thì anh phải băng qua mọi cung bậc đời sống. Tôi không biết đã đọc đi đọc lại nhiều đoạn trong sách bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần đọc lại, tôi càng thêm thấm thía những bài học mới. Tôi luôn để cuốn sách ở vị trí dễ nhìn nhất trên giá sách để bất cứ lúc nào cần thông tỏ, tôi lại lấy ra đọc một lần nữa.
Mua Tự truyện của một Yogi cách đây hơn một năm, nhưng phải gần cuối 2020, tôi mới thực sự đọc. Mỗi lần lên giường chuẩn bị đi ngủ, tôi lại nhìn vào ánh mắt của thầy Pramahansa Yogananda ở bìa sách, và bị cuốn hút. Rồi trực giác mách bảo rằng đã đến lúc rồi, và thế, tôi đã mở cuốn sách ra đọc hết trong một vài tuần. Tôi đọc chậm, phần lớn mỗi ngày chỉ vài trang đến vài chục trang. Vừa đọc, vừa tìm hiểu thêm một vài thứ. Có lẽ, Tự truyện của một Yogi là cuốn sách mở ra cho tôi thêm một thông điệp rằng, thế giới ta sống là maya, vì ta đang ở trong nó mà ta không nhận ra nó là ảo, chỉ khi ta đi ra ngoài nó thì ta mới thấy sự thật. Có nhiều đoạn viết trong đó khiến tôi xúc động và khóc, đặc biệt đoạn mẹ Pramahansa Yogananda nói ra sự thật vào trước lúc lâm chung rằng cuộc đời thầy sẽ là một bậc yogi, và khi thầy rời gia đình để đi theo tiếng gọi trái tim, và nhiều đoạn viết về mối quan hệ thầy trò giữa Sri Yukstewar cũng khiến tôi xúc động và cảm thấy thiêng liêng. Tôi sẽ tiếp tục đọc lại cuốn sách trong nhiều năm kế tiếp.
Trong bức thư gửi cho bác Phạm Việt Hưng, tôi kể bác nghe về một sự kiện xảy ra cách đây hơn 3 năm về trước, trong một lần tôi thăm thú biển Long Hải, chụp được một bức ảnh thì phía sau đầu tôi là hình bức tượng giống như mắt thần Horus, bức ảnh ấy ám ảnh tôi mãi không thôi, chỉ tiếc là giờ, tôi không còn giữ bức ảnh ấy nữa. Điều đó giống như một sự khởi đầu để tôi khám phá sự thật, và một thế giới mới sẽ mở ra ngoài thế giới mà tôi hiện sống.
Thầy Pramahansa Yogananda đã đề cập 4 con đường chân chính đi đến giác ngộ mà kinh điển Ân Giáo cổ xưa đã nhắc tới:
- Con đường sùng tín (the path of devotion - Bhakti Yoga)
- Con đường minh triết (the path of knowledge - Jnana Yoga)
- Con đường thiền định (the path of meditation - Raja Yoga)
- Con đường hành động (the path of action - Karma Yoga)
Và cuộc đời thầy đã bao gồm 4 con đường trên. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tiếp cận sớm và hiểu những bài học nhận thức tâm linh, ta sẽ không bám chấp vào những gì đã qua, chúng ta sẽ giảm bớt đi ít nhiều gánh nặng và thử thách trên đường đời. Chúng ta sẽ biết ơn những khó khăn làm ta thêm mạnh mẽ và thông tuệ, và những khó khăn ấy cũng khiến ta yêu đời trong sáng chứ không bị vẩn đục hay chai sạn đi. Khi nói đến điều này, tôi thích tinh thần của Trang Tử, rằng mọi thứ xảy đến đều tốt đẹp!
No comments: