nỗi buồn
Trong khoảnh khắc bất chợt, tôi nhận ra nỗi buồn cỏn con của mình đã tự nguyện rời đi để đưa tinh thần ở trong trạng thái cân bằng cho một sứ mệnh lớn lao. Nhưng sau đó, tôi cũng nhận ra, có lẽ nỗi buồn không rời đi, nỗi buồn vẫn ở đó, nhưng nỗi buồn không thể làm gì khiến tôi yếu đuối đi, mà nó khiến tôi mạnh mẽ hơn. Tôi phát hiện đó không phải là sự gồng mình, vì tôi nhận thức được nỗi buồn ấy của mình, nhưng tôi chọn cảm nhận sâu tận cùng, và thế, tôi phát hiện dưới nỗi buồn kia là ánh sáng. Điều đó giống như việc tôi nhìn thấy được ánh sáng cuối đường hầm vậy. Tôi vẫn nhận thức được bóng tối (như nỗi buồn) phía sau lưng mình, nhưng tôi thì đang hướng về ánh sáng. Và khi hướng về ánh sáng, tôi biết mình không lạc lối. Tôi nhớ có một câu nào đó mang tên "In is the way out" (Vào chính là lối ra), tất cả chúng ta phải băng qua bóng tối ấy bằng can đảm của mình, để tiến ra ngoài ánh sáng.
Nhưng phần lớn con người bị mắc kẹt lại ở nỗi buồn, họ không cảm nhận được sâu tận cùng nỗi buồn, vì chỉ khi cảm nhận tận sâu cùng của nỗi buồn, họ mới có cơ may nhìn thấy ánh sáng. Phần lớn con người chỉ nhìn nỗi buồn một cách hời hợt, vì thế, họ cũng đang giải quyết vấn đề tinh thần một cách hời hợt. Tinh thần của họ sẽ không thể khá hơn nếu họ nhìn tinh thần, nhận thức tinh thần của mình một cách hời hợt như thế. Và nếu vậy thì chả thể trách ai, ngoài chính bản thân họ đã không chăm sóc thật kỹ nỗi buồn ấy của mình.
Nếu chúng ta nhớ thật kỹ là tận sâu thẳm của nỗi buồn chính là ánh sáng thì chúng ta đã có sự kiên nhẫn. Nhưng trước khi có cái kiên nhẫn đó, chúng ta phải có đức tin như vậy, đức tin về ánh sáng, đức tin về việc mình sẽ tự chính mình khai sáng.
Có một lần khi tôi buồn, và tôi ngồi giữa cánh đồng bạt ngàn, tự dưng lòng tôi trở nên thật thảnh thơi. Tôi nhận ra, nếu bầu trời bên trong mình mà mình không tạo biên giới cho nó, thì nỗi buồn sẽ tự nhiên bé lại. Nhưng phần lớn thì khi buồn, họ nhìn thấy bầu trời bên trong mình là bầu trời buồn, nhưng không nhận ra buồn vốn chỉ là một điểm trong bầu trời đó, chúng ta nhận thức nó nhưng đừng bao giờ quên nhìn bức tranh đẹp đẽ bao quanh điểm buồn ấy. Chúng ta nhất thiết phải nhận thức nỗi buồn vì việc nhận thức đó khiến chúng ta mới có thể đi sâu tận cùng nó và thấy ánh sáng. Còn quên nó là để nó bị chìm vào vô thức. Song song với việc nhận thức nỗi buồn, chúng ta cũng nhất thiết phải mở lòng mình ra hết sức có thể để nhận ra rằng nỗi buồn chỉ là một điểm, chỉ là một điểm. Và chúng ta phải đi qua được cái điểm đó. Nhất định phải đi qua được cái điểm buồn đó.
No comments: