nhẹ lòng
Chú chạy Grab chở tôi đến Thảo Điền. Một quãng 30 phút, thì đến phút thứ 25, tôi mới bắt đầu trò chuyện với chú. Tôi hỏi chú tại sao không đeo khẩu trang cho khỏi bụi. Chú bảo đã quen. Mấy chục năm qua chưa từng mang khẩu trang bao giờ, riết rồi nên đeo vô không thở được. Tôi hỏi chú như vậy thì có ảnh hưởng sức khỏe gì không. Chú trả lời suốt mấy chục năm qua chưa từng đến bệnh viện, chưa phải uống một viên thuốc tây nào vì bệnh liên quan đến đường hô hấp. Chú thêm, có lẽ, như một sự miễn dịch.
Chú là người ở Sài Gòn, chạy xe ôm để có tiền tiêu vặt thôi chứ không muốn phiền đến con cái. Hồi xưa, chú phải lo lắng cho con cái nhiều. Suy nghĩ nhiều. Giờ thì không suy nghĩ ong đầu như hồi xưa nữa. Và chú cười: "Tất nhiên là bớt thôi, chứ làm sao mà trống rỗng được." Câu nói ấy làm tôi mỉm cười. Ừ, cả cuộc đời này, có mấy ai mà đầu óc trống rỗng cho được. Dù tu tập nhiều đến cỡ đâu, thì có mấy ai mà đạt đến vô vi hay niết bàn trong cái thời đại này. Tôi tự hỏi vậy. Tôi nghi ngờ về điều đó.
Tuổi trẻ, một quãng thời gian đi ra đi vào đủ nhiều để rút kinh nghiệm cuộc sống là cuộc chơi. Mất mát vốn dĩ chẳng phải là một điều gì đó thực sự. Sinh ra từ cát bụi và trở về với cát bụi. Trống rỗng thuở lọt lòng và học để trở về sự trống rỗng về sau. Kiếp này kiếp khác, bao nhiêu kiếp, ta đang đến gần hơn với Thượng Đế.
Có khi tôi đã tự hỏi, cuộc sống sẽ là gì nếu mỗi ngày ta luôn ở trong sự dằn vặt đau thương. Quanh quẳn với những ý nghĩ trong đầu từ ngày này cho hết ngày khác, và rồi, ta có cho phép bản thân thức tỉnh? Hầu hết con người đến bên kia cái dốc cuộc đời mới cảm thấy nhẹ lòng. Và thế thì tốt hơn là không. Bởi trong những ngổn ngang của thời đại, phận đời vốn dĩ mong manh nhưng đau thương đã nới dài ra tất cả...
Thời gian vốn dĩ chỉ là một sự tương đối. Có những tháng trời dài như đỉa đói, có những tháng trôi qua như một cái chợp mắt ban trưa. 24 giờ của người này đôi khi chỉ là một khoảnh khắc với kẻ khác. Và thế, thời gian phụ thuộc vào trạng thái của từng cá nhân. Thời gian của sự đau khổ là dai dẳng. Thời gian của niềm vui là mong manh. Thời gian của người giác ngộ là phi thời gian. Vậy đó, hai cái đầu ai cũng đã cảm được, còn cái cuối thì hiếm lắm.
Phận người ai rồi cũng sẽ trải qua sinh lão bệnh tử, không kiếp này thì kiếp khác. Quy luật đó chẳng chừa một ai, ngay cả với những bậc thầy tâm linh. Việc hiểu biết các nguyên tắc hoạt động của tâm thức giúp cá nhân mỗi người không trượt dài vô thức trên con đường xúc cảm và bản năng. Bởi để tiến hơn vào bên trong mình, ta phải thực sự làm chủ được cảm xúc và bản năng, tất cả. Con người thường từ chối chúng, vì nó đòi hỏi nỗ lực và kiên nhẫn nhiều hơn, rất rất nhiều.
Nhưng, rồi tôi nghĩ, tất cả diễn ra là nhân duyên...
Chỉ cần đừng chối từ trực giác của mình.
No comments: