sự tự ái

7:43:00 PM
Cách đây không lâu, tôi được giới thiệu để xem bộ phim Freedom Writers (Những nhà văn tự do) dựa trên cuốn nhật ký – đồng thời là câu chuyện có thật làm rung chuyển nền giáo dục Hoa Kỳ. Năm 1994, Giáo viên ngữ văn 23 tuổi Erin Gruwel tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết quyết định trở về dạy tại trường trung học Wilson, Long Beach thuộc bang California. Tại đây, cô rơi vào thử thách ngạt thở khi phải đương đầu với lớp học toàn học sinh cá biệt và “hết thuốc chữa”. Hầu hết chúng là da màu lớn lên trong thị trấn mà nạn phân biệt chủng tộc đến nỗi những tay găngxtơ sẵn sàng xả súng vì căm ghét sự khác biệt. Mỗi ngày trôi qua, không ít những đứa trẻ vô tội trong vùng ngã xuống vì bạo động và nổ súng. Học sinh của Erin dù nhỏ tuổi nhưng luôn thủ sẵn súng trong người khi ra ngoài đường phố. Có những đứa trẻ thất học lang thang, có đứa hút chích nghiện ngập, nhiều em vật lộn với sự thiếu thốn và mưu sinh cay đắng của gia đình. Nỗi thống khổ và thất vọng đến tột cùng. Ai cũng nghĩ, lũ trẻ này sẽ chả có tương lai. Thật khó khăn để khiến chúng có niềm lạc quan và tin yêu vào cuộc sống. Thế nhưng, nhờ tình yêu thương và cách dạy học sáng tạo không theo khuôn mẫu khô khan chốn học đường, Erin Gruwel đã chuyển hóa động lực trong mỗi em. Cô cho các em học sinh tiếp xúc với hai cuốn nhật ký có nét tương đồng Anne Frank và Zlata Filipovic, hai cô bé đã ghi lại cuộc sống và mơ ước của mình trong chiến tranh cùng bao khát vọng cháy bỏng trong cuộc sống. Từ hai cuốn sách ấy, cô giáo Erin đã mua cho mỗi đứa trẻ một cuốn sổ và khuyến khích từng em viết nhật ký mỗi ngày. Đó vừa là cách chữa lành hữu hiệu vừa là cơ hội để người giáo viên đi sâu vào sự trung thực trong tâm hồn mỗi đứa nhỏ đã chịu nhiều nỗi đau lẫn sự tổn thương.

Việc dạy và quan tâm những đứa trẻ đã khiến Erin bận rộn hơn trách nhiệm của một giáo viên thông thường. Cô cũng phải làm thêm những hai công việc khác nhau để có tiền mua sách và tổ chức chuyến dã ngoại ngoài Long Beach cho các em học sinh, dẫn chúng thăm viện bảo tàng và lắng nghe câu chuyện từ những người Do Thái đã hứng chịu nỗi đau nạn diệt chủng trong quá khứ. Dần dà, dần dà, ngày qua ngày, Erin thấu cảm sự biến chuyển tích cực trong mỗi đứa trẻ, hầu hết chúng bắt đầu ấp ủ mơ ước tốt nghiệp và hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Điều thay đổi những đứa trẻ không đến từ cách giáo dục sáng tạo của Erin mà còn là niềm tin tuyệt đối của cô vào việc các em có thể trở thành những công dân tốt. Chính đó là luật hấp dẫn xoay chuyển bản chất con người đích thực trong mỗi bạn học sinh, giúp các em không vin vào nỗi đau và năng lượng tiêu cực để ứng xử với cuộc đời mình và cuộc đời người khác. Thế nhưng, khi mọi thứ đã bắt đâu vào đấy, người chồng của cô giáo Erin lại quyết định ra đi, trong lúc mà cô ấy cần anh ta nhất. Tôi còn nhớ, nhiều buổi tối, vì trách nhiệm cao cả và mẫu mực của một giáo viên, Erin bất đắc dĩ phải trở về nhà muộn nhưng vẫn tươi cười và ấm áp với chồng dù căng thẳng và áp lực đè nặng lên tinh thần người đàn bà nhạy cảm. Nhưng buổi tối hôm đó, cũng như mọi hôm, trở về mái ấm giản dị, Erin ôm hôn chồng, vừa hỏi han và kể cho anh nghe về chuyện lớp học hôm nay như thế nào thì bỗng dưng, trực giác của người phụ nữ chợt nhận ra điều gì đó bất ổn trong cảm xúc và suy nghĩ của người chồng. Cô quay người ra đằng sau, thấy những chiếc vali đã được gói gọn và nép ngoài cửa. Erin ngồi xuống bên chồng, trong tâm trạng khổ sở vì không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

“Sao anh lại làm như thế?” – Erin hỏi Scott, người đàn ông mà cô chung sống suốt 4 năm qua. – “Vì em không cho anh đủ sự quan tâm?”

“Không. Không phải thế. Anh chỉ… Anh cảm thấy mình đang sống một cuộc đời mà mình không muốn…. Erin, chỉ là, thật khó khăn…”

“Cuộc sống của anh thật khó khăn?”

“Anh biết việc em làm rất cao cả. Và nó rất tốt, anh tự hào về em. Thật đấy! Anh chỉ muốn sống cuộc sống của mình mà không cảm thấy tối tệ.”

“Em không cố tình khiến anh thấy tồi tệ.” – Erin trả lời với những giọt nước mắt chực trào.

“Em không cần cố tình.”

“Em đâu định chịu trách nhiệm cho lũ trẻ.”

“Ai đòi hỏi em?” – Người chồng hơi to tiếng.

“Không ai đòi hỏi em!”

“Chúng còn không phải con em!”

“Sao em lại cần được yêu cầu, Scott?” – “Cuối cùng em cũng nhận ra cái mình phải làm và yêu nó. Khi em giúp cuộc sống của lũ trẻ có ý nghĩa, cuộc sống của em cũng có ý nghĩa. Mấy ai làm được như thế!”

“Vậy em cần anh để làm gì?”

“Anh là chồng em! Tại sao anh không thể ở bên em và là một phần của việc đó, cách mà vợ ủng hộ chồng.”

“Vì anh không thể là vợ em!” – Scott trả lời với vẻ điềm nhiên nhưng lòng dậy sóng. – “Ước gì anh có thể làm điều đó nghe bớt tồi tệ… Erin! Nếu em phải chọn giữa chúng ta và lớp của em, thì em chọn ai?”

“Nếu anh yêu em, sao anh có thể hỏi câu đó?”

“Erin, nhìn anh này. Anh chỉ được đến thế này thôi. Thế thôi. Anh không phải lũ trẻ đó. Anh không còn triển vọng nữa. Thấy không? Em cũng không muốn ở đây, vì nếu thế, em có ở lớp mỗi tối không?”

“Không phải thế. Em muốn ở đây. Em yêu anh!”

“Em yêu ý tưởng về anh.”

“Nhưng nó là một ý tưởng tuyệt vời.”

“Anh biết.”

Có lẽ, bạn và tôi đã từng gặp ít nhiều trường hợp trong lúc người vợ cần người chồng nhất thì họ lại ra đi. Họ ra đi không phải vì họ yêu một người phụ nữ khác, mà vì trong khoảnh khắc nào đó, khi nhìn vào hình ảnh lý tưởng của người vợ, họ cảm thấy tự ái cho sự bất tài của mình. Scott là hình mẫu thể hiện rõ điều đó. Anh ta mong muốn mình sẽ là một người đàn ông thành đạt, nhưng luôn trì hoãn mọi hành động để đạt mục tiêu đó. Trong khi ấy, Erin là người phụ nữ dám nói dám làm, cô dám ước mơ, và cô quyết liệt với khát vọng ấy. Cô vẫn là người phụ nữ của gia đình, và Scott nên hiểu rằng việc cô quan tâm lũ trẻ chỉ mang tính thời điểm. Rồi các em sẽ trưởng thành hơn, và không còn cần Erin ở lại vào mỗi buổi tối hay không còn lấy đi quỹ thời gian riêng tư của cô. Thế nhưng, sau cùng, những người như Scott – mẫu đàn ông sở hữu “lòng tự trọng” cực đoan vì trong tâm trí họ không chịu đựng được sự thật rằng họ thấp kém hơn người vợ của mình. Xã hội chúng ta, ở phương Tây hay phương Đông, vẫn đâu đó tồn tại ý tưởng và quan niệm người chồng là trụ cột gia đình và luôn hơn người vợ một cái đầu. Đàn ông phải thành đạt hơn, có tiếng nói hơn, và người vợ chỉ đóng vai trò chốn hậu phương. Thế nhưng, với tình yêu đích thực, không tồn tại so sánh, sẽ không còn sự hơn thua. Giống như vợ chồng tổng thống Obama, đó là tình yêu được xây dựng dựa trên giá trị bình đẳng. Họ đều có cách đóng góp riêng cho xã hội, và cùng nhau nuôi dạy hai đứa con thành tài.
 


No comments:

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.